1 thg 8, 2013

Người Hải Phòng khiêu vũ

Anh P. là một kỹ sư Tây học, tâm hồn lãng mạn, thích nghe nhạc Beethoven, đọc văn chương của M. Proust. Vậy mà có ai rủ đến vũ trường là anh xua tay nhăn mặt. Quan niệm khiêu vũ là thứ nhảy nhót của tầng lớp người hưởng lạc, sa đọa còn đeo bám dai dẳng trong đầu anh từ thời chiến tranh.

Cho đến một ngày cuối năm 1996. Tại cuộc hội thảo khoa học quốc gia ở Sài Gòn, anh P. gặp một cô gái thông minh, dịu dàng, đúng hình mẫu người phụ nữ trong mộng của anh. Song vốn nhút nhát đã 40 năm, anh không dám chủ động tìm đến cô. Trong bữa tiệc đứng kết thúc hội thảo, anh P. ngồi với một đống đồ ăn nguội ở góc phòng nhìn các đồng nghiệp khiêu vũ. Anh bỗng nhiên thấy lạc lõng. Và khi dàn nhạc nổi lên bản Valse Hoàng đế, thật bất ngờ là cô đã đến trước mặt anh, giơ tay ra. Anh P. cố nặn lấy nụ cười héo hon xin lỗi – Anh không biết nhảy! Khi cô ngượng ngùng vì bị từ chối bỏ đi, anh tự rủa mình thậm tệ. Lúc ấy giá có thể đổi 2 năm nghiên cứu về những Công ước Hàng hải Quốc tế lấy các bước nhảy cơ bản, anh cũng OK! Từ đó hai người không gặp lại nhau. Anh P. cũng bắt đầu đi học nhảy. Không phải anh hi vọng một ngày nào đó sẽ mời lại cô bản Valse Hoàng đế, mà chỉ vì anh bỗng giác ngộ rằng Khiêu vũ cũng là văn hóa. Không biết khiêu vũ cũng như không biết thi ca, âm nhạc.

Không biết khiêu vũ cũng như không biết thi ca, âm nhạc

Con đường đến với sàn nhảy của anh B. không bắt đầu từ Sài Gòn mà ngắn hơn nhiều – Từ đường Lê Lợi đến góc đường Điện Biên Phủ. Anh không thuộc diện người đi giầy Tây bốn mùa như anh P. Anh làm nghề lái xe ôm. Hàng tối, anh phải đưa đi đón về một bà “sồn sồn” hay nhảy. Mới đầu anh ngồi từ xa nhìn bà ta nhảy thấy hay hay. Anh dậm chân dưới gầm bàn, rồi tiến ra sàn, dẫm liên tục lên chân người bạn nhảy. Anh chẳng bận tâm đến vấn đề siêu hình: Giá trị thẩm mỹ hay ý nghĩa đạo đức của khiêu vũ. Anh đi nhảy như đi chơi, về nhà thấy ngủ ngon hơn. Thực ra anh đã thay đổi rồi đấy! Bây giờ anh lái xe ôm nhưng vận vét, đeo cà vạt. Có hôm, đi xong một bản Tango, anh đưa khách từ sàn nhảy về nhà, anh không lấy tiền. Đã đi nhảy rồi thì phải lịch sự!

Đúng, phải lịch sự! Anh D. và một vài người giống anh rất biết cách thể hiện mình lịch sự. Anh thường nói thầm vào tai các cô bạn nhảy xinh xắn: “Em nhảy đẹp lắm!”. Khi thấy các cô đỏ mặt lên, anh nghĩ các cô sung sướng (thực ra các cô rất xấu hổ vì mới tập nhảy 1 tuần), anh ngỏ lời mời cô đi đâu đó!

Theo lời một thầy dạy nhảy, Hải Phòng có khoảng 3.000 người được học nhảy căn bản. Họ là học sinh, sinh viên, nhà báo, nhà giáo, công chức, quan chức, người về hưu, người tự do,… Phụ nữ chiếm 2/3, chứng tỏ họ có tâm hồn nhảy múa hơn cánh đàn ông. Trong 3.000 ấy chỉ có 600 người ngày ngày đến sàn nhảy. 60% tuổi từ 35 trở lên. May thay người Hải Phòng đến vũ trường không phải để khều lấy những cô gái như D. Rất đông đi nhảy để thay thể dục. Rock, Rap là thể dục nhịp điệu của thanh niên, còn Tango, Chachacha – thể dục nhịp điệu của người đứng tuổi. Giám đốc về hưu Ngô T. mỗi năm "chỉ đi thể dục” có 12 lần, mỗi lần dài 30 ngày, mỗi ngày 2 buổi. Năm nay bác 68 tuổi, lưng thẳng, mắt sáng, nhảy Valse xoay như gụ. Bác chẳng bao giờ thèm xem quảng cáo thuốc trên ti–vi. N.T.T cũng nổi tiếng là một bà hay nhảy. Nhìn bác làm động tác “te” trên sàn, chẳng ai nghĩ rằng đấy là một bà già 77 tuổi. Nhầm tuổi người hay khiêu vũ là chuyện thường tình. Nhảy làm trẻ lại tâm hồn, thổi khí xuân vào tâm trạng. Khá đông những phụ nữ có gia cảnh trái ngang tìm đến nhảy như một liều thuốc an thần. Khoảng giữa năm ngoái, trên sàn tập nhảy của Cung VHLĐ Việt Tiệp, người ta gặp một cô gái tuổi ngoài 40 mặc áo nâu sồng, ánh mắt mơ hồ. Nghe nói sau khi chồng chết, cô thường đi chùa, ngồi thiền, xem số tử vi. Không rõ ai kéo cô đến nơi này tập nhảy. Một năm sau thì cô mặc váy trắng, mắt sáng long lanh. Bạn bè đùa cô là sự thay đổi lớn nhất của năm 97. Cô tên là K. làm việc ở Công ty M. Hải Phòng.

Dĩ nhiên người ta đi nhảy còn vì khiêu vũ là một nghệ thuật có sức hấp dẫn lạ lùng. Người Pháp nói rằng: “Chẳng gì đẹp bằng thuyền bể căng buồm, ngựa phi nước đại, đàn bà khiêu vũ”. Nó bắt người ta vui vẻ rời nhà ra đường giữa lúc mưa dầm gió bấc. Nó cho người ta cảm giác 3 giờ đồng hồ chỉ là khoảnh khắc. Anh T. bị ngã trẹo chân, vẫn cố ra sàn nhảy để ngồi thở không khí của nó. Nhìn các bước chân trên sàn, anh nói với tôi về những tính cách con người: Người thô thiển dẫu nhảy giỏi cũng không đẹp. Người tầm thường dẫu có ngửa mặt lên trời cũng không mạo được vẻ cao sang. Người lẳng lơ nhảy õng ẹo. Người khắc khổ nhảy cứng nhắc. Người kiêu căng nhảy lạnh lùng. Người dễ dãi nhảy phóng túng. Người trẻ thích nhịp điệu nhanh, người già thích tiết tấu chậm. Có người nhảy theo kiểu cách hiện đại. Lại có người như bác H. hai mắt đã lòa, vẫn nhờ bạn dắt đến sàn, để đi những bước nhảy thời Tây.

Không “chung thủy” như những người nhảy “vị nghệ thuật”, người đi nhảy vì những mối quan hệ xã giao thường chỉ là khách vãng lai vũ trường. Lại có những người đến sàn uống nước, ngủ gật chẳng bao giờ nhảy. Đó là những đức ông chồng hiểu và chiều vợ. Tan cuộc nhảy lại dắt xe đưa vợ về…

Những vũ trường 3.000đ

Doanh nhân Hải Phòng đầu tư tiền tỷ vào 3 vũ trường cao cấp (Cola Discotheque, Kaoshiung, Gold Palace) với những hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại được quảng cáo là chẳng thua Thái Lan hoặc Singapore. Trừ mấy ngày trước và sau Tết có lắm “kiều” về nước, còn thì bao trùm vũ trường là không khí vắng lặng, chờ đợi, dù cho cả dàn loa Mỹ ra sức rung lên âm thanh hết cỡ mời gọi. Đơn giản là vì du khách, những kẻ tiêu tiền không sợ tốn kém, ít dạo gót đến nơi đây. Còn người Hải Phòng hàng tối sẵn sàng móc túi 30.000đ mua một cái vé vào cửa uống 1 lon Tiger với giá 25.000đ, lại quý hiếm hơn. Ở thành phố này, những người giàu có thường không biết nhảy, những người biết nhảy lại không giầu có. Thế là xuất hiện những “vũ trường 3.000đ” để phục vụ cho 3.000 “thượng đế” hay nhảy.

Một căn phòng rộng 100m2 và vài cái đèn xanh đỏ, một máy cát-xét với 2 thùng loa, một người bán vé và 2 người trông xe đạp, một loạt quạt treo tường với vài ba cô bé bê nước, bốn mùa ăn mặc kín mít từ đầu đến chân. “Ca ve” phải mang từ nhà: vợ, người yêu hoặc bạn bè… Đó là các vũ trường 3.000đ - cách nói văn vẻ của những sàn nhảy bình dân. Vũ trường 3.000đ đầu tiên ở Hải Phòng là sàn nhảy 23 Điện Biên Phủ, do một người đàn ông lịch lãm làm chủ. Năm 1995, trong lúc đi dạo qua các công viên, ông thấy các cụ về hưu ngồi vật vờ ngoài ghế đá vườn hoa nhiều quá. Thế là ý tưởng mở vũ trường 3.000đ đã đến với ông chủ tịch công đoàn Cty… Ông chủ trương vé vào cửa 3.000đ hợp với túi tiền lương hưu còm của các cụ, không bán rượu trong sàn nhảy. Nếu có cụ ông nổi hứng muốn chiêu đãi các cụ bà, thì có CocaCola, nước khoáng đóng chai Quang Hanh, bán theo giá chợ. Giản đơn là vậy, nào ngờ các cụ hưởng ứng rất đông, thế rồi cả thanh niên cũng kéo đến. Ông chủ sàn phải chia lịch để đám con cháu không được ngồi chung sàn với các cụ. Không được lẫn lộn giữa Rock, Rap và Rhumba.

Thành công của sàn nhảy 23 Điện Biên Phủ đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt các vũ trường theo phong cách 3.000đ. Ăn khách nhất hiện nay là sàn nhảy của Khách sạn Công đoàn Hồ Sen với 150 người thường xuyên đến nhảy, chủ yếu là các vũ điệu cổ điển. Sàn nhảy của CLB UNESCO Hải Phòng nhờ điều hành lịch sự, tạo được không khí thân mật trong một gia đình. Thất vọng nhất là sàn nhảy của 1 cơ quan văn hóa lúc nào cũng ướt át vì nhạc “sến”.

Những người đi nhảy Hải Phòng chấp nhận một cách dễ dàng điều kiện đầu tư vật chất đơn giản của một sàn nhảy bình dân, nhưng họ không chấp nhận được sự bình dân trong đầu tư trí tuệ. Nhạc là linh hồn của người nhảy. Người điều hành các vũ trường 3.000đ phần lớn là dân tay ngang. Họ quan niệm ngây thơ rằng chỉ cần một người biết nhét vào máy cát-xét cái băng có ghi Bebop, hoặc Tango, hoặc Chachacha… và ấn nút. Vì thế người ấn nút có thể là một thanh niên mới ở quê ra, một thợ máy chiếu xi-nê, một nhân viên phục vụ phòng KS… Thị hiếu âm nhạc lệch lạc, vô tình nhét vào tai người nhảy những giai điệu sến não nề, sướt mướt về một “mối tình còn trinh”, về nỗi “tình mình bây giờ đau như ngọn roi”… Thứ nhạc là là mặt đất, “linh hồn” không bay lên được! Không phải cái giá tiền 3.000đ vào cửa, mà chính âm nhạc ở các sàn nhảy Hải Phòng xác định tính chất rẻ tiền của nó!

Không thầy đố mày "nhảy" được

Cung VH Việt Tiệp của LĐLĐ Hải Phòng là trung tâm đào tạo và phát triển nghệ thuật khiêu vũ lớn nhất Hải Phòng. Gần 1.500 người được xóa mù khiêu vũ ở đây, từ bà Chủ tịch LĐLĐ Hải Phòng đến người viết phóng sự này. Các CLB vũ dưỡng sinh cho người cao tuổi, CLB vũ quốc tế cho các giám đốc doanh nghiệp, cho những người thích khiêu vũ của Cung liên tục phát triển. Người Hải Phòng cũng tìm đến tập nhảy ở NVH Thanh niên, NVH quận Hồng Bàng, Lê Chân… Hàng loạt cơ quan văn hóa, thương mại, công nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, trường học mời thầy về phổ cập nhảy cho CBCNV. “Máu” hơn thì kết 5-7 người một, rủ nhau tìm thầy học nhảy! Gia đình khá giả thì rước thầy về tư gia.

Dạy nhảy trở thành một nghề kiếm sống được ở Hải Phòng. Thầy dạy nhảy có thể là một lãng tử biết khiêu vũ từ thời Tây, những “tay chơi” đã lê chân từ Sài Gòn ra Hà Nội, diễn viên múa làm tay trái và khá đông là “thầy lớp 3 dạy lớp 1” - những người cố gắng dạy “đệ tử” đi đúng bước hơn dạy nhảy đẹp. Nếu ra sàn nhảy, bạn thấy một người đàn ông mặt mũi quan trọng giữa 9,10 người rụt rè, ngượng ngập, thì đấy là thầy dạy nhảy đưa học sinh đi thực tập!

Nhảy là văn hóa 

Nhảy có sức sống bất diệt cùng nhân loại như thi ca, âm nhạc. Vì thế, cả thế giới vẫn nhảy Valse, Tango,… hàng trăm năm nay, dù đã trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá. Ai cũng có quyền được nhảy.

Cả thế giới vẫn nhảy Valse, Tango... hàng trăm năm nay

Danh họa Goya đã nói rất hay (đại ý): "Bức tranh khỏa thân không xấu. Nó chỉ xấu trong con mắt của kẻ thô tục". Thật tiếc, một số kẻ “kinh doanh nhảy" ở vài vũ trường cao cấp có những loại rượu đắt tiền và những “ca-ve” chân dài làm xuyên tạc nghệ thuật nhảy trong định kiến khe khắt của xã hội. Một bà mẹ cấm con chơi với bạn, vì mẹ nó (một người phụ nữ đứng đắn) thường đi nhảy?! Một công chức có “máu” nhảy, nhưng chỉ dám nhìn, vì sợ đồng nghiệp đội cho cái mũ “ăn chơi”! Một ông chồng cấm vợ nhảy, vì nghĩ những người đàn ông ở đó toàn dạng “Típ Phờ Nờ”. Một bà vợ cấm chồng nhảy, vì xếp những người đàn bà ở đó vào dạng ong bướm! Không có loại hình nghệ thuật nào lại bị “oan” như Nhảy. Ở Hải Phòng này, những ai hiểu sai nhất về khiêu vũ là những người không đi nhảy (đích thực) bao giờ. Xin mời đến sàn nhảy của Khách sạn Công đoàn, của CLB UNESCO HP… Ăn chơi ư? Bà X suốt ngày bán canh bánh đa, tối mặc váy xòe đi nhảy. Cả một tối vui mất 3000VNĐ! Ong bướm ư? Nói thế là xúc phạm đến rất nhiều người đáng kính đấy. Một chàng thanh niên hay nhảy thì khó gặp những kẻ buôn ma túy, tội phạm. Một ông bà già hay nhảy thì không thân người bán thuốc. Sao không bật nhạc lên để nhảy trong ngày cưới của mình, trong các hội nghị tổng kết, trong các lễ mừng sinh nhật, trong các cuộc gặp bạn bè… như người Hải Phòng! Hãy Khiêu vũ nào! Nếu không đoạt giải “Đôi giày Vàng” thì cũng được sức khỏe Vàngtâm hồn Vàng!

Bài đã đăng trên báo Lao động vào năm 1998

Link Facebook