28 thg 7, 2014

90 năm sau vẫn không hơn cái Vườn trẻ


Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6

40 năm trước, cụ Trần Quang Hưng rời quê nhà sang định cư ở Pháp. Hôm nay cụ mới trở về Hải Phòng gặp lại gia đình, họ mạc. Ông con giai cả đề nghị đưa cụ đi xem cầu Bính, khu công nghiệp Singapore… để cụ nhìn thấy sự đổi mới của thành phố, nhưng cụ từ chối. Giờ cụ già rồi, không có đòi hỏi gì nhiều, như con bọ chét sống lặng lẽ ở trên cây, cụ chỉ muốn thăm Quán hoa (Nơi cụ đã gặp cụ bà), nhà Kèn (Ngày xưa cụ đã được nghe ca sĩ Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy ở đó) và đến Vườn trẻ. Yêu cầu của cụ làm thằng cháu nội suýt ngã ngửa người ra vì ngạc nhiên: Tại sao một người da đã nhăn như một quả táo tầu mà còn thích đi Vườn trẻ? Nó không biết rằng tuổi thơ của cụ gắn liền với Vườn trẻ như thế nào. Không giống như những đứa trẻ ở quê “trở về dòng sông tuổi thơ”, Vườn trẻ là nơi vui chơi duy nhất của nhiều thế hệ trẻ con thành phố Hải Phòng.

Từ năm 1925, người Pháp lấp sông Bonnal, họ đã làm ra Vườn trẻ ở đoạn cuối con sông Lấp. Trong vườn có rất nhiều cây (thì thế mới gọi là vườn). Dưới cây là những con đường nhỏ rải đá dăm. Hai bên đường có chim kêu, vượn hót. Thực ra, có cả tiếng gầm của gấu, của hổ, tiếng tru chéo của lũ khỉ bị đám trẻ con chọc giận, tiếng bép bép hiền lành của đàn hươu sao… Chính giữa vườn là một đài phun nước có 4 con cóc ngồi chễm chệ ở 4 góc, trẻ con thích lội chân trần xuống nước để trèo lên lưng cụ cóc (Bởi thế, Vườn trẻ còn có tên gọi vườn hoa Con cóc). Trong vườn có lác đác vài ngôi nhà mái ngói kiểu cách tuyệt đẹp, thân thiện với thiên nhiên vườn và trên bầu trời là những ngôi sao trong vắt, lấp lánh như đá mắt mèo.

Thời con cụ Hưng, trong Vườn trẻ xuất hiện cái cầu tụt làm bằng xi măng, cái bập bênh bằng cây gỗ, cái vòng đu quay được uốn từ sắt Liên Xô. Muốn cho cái đu quay được, các bậc cha mẹ phải xúm vào đẩy vì hồi đó hay mất điện. Chỉ tiếc hổ, gấu và đám hươu sao, khỉ, vẹt chết dần chết mòn bởi thiếu thức ăn. Đang thời chiến tranh, cái gì cũng hiếm. Đài phun nước không hoạt động. Bốn cụ cóc bằng xi măng khát nước, không biết cất tiếng thở dài nài nỉ, khát khao xin trời mưa xuống. Tiếng đạn bom làm lũ chim bay hết, không còn cãi nhau chí chóe trong các lùm cây. Thế nhưng trong vườn luôn vang lên những giọng hát trong trẻo của các thiếu nhi trong câu lạc bộ Hải Yến. Người lớn vẫn dắt trẻ con đi dạo trên những con đường đá dăm. Và với bọn trẻ, mỗi sáng chủ nhật được đi Vườn trẻ để ngồi cầu tụt hay chơi bập bênh là một niềm vui.

Không đến Vườn trẻ thì biết đi đâu?

Chủ nhật, người vào Vườn trẻ đông như trẩy hội. Từ ngay cửa vườn đã vang lên tiếng cãi nhau chí chóe của người trông xe và người gửi xe, tại vì cái giá 20.000đ tiền gửi một cái xe máy. Tất nhiên, chẳng ai cãi được với ông trông xe có dáng vẻ làm người ta không nghĩ đến chuyện gặp họ một mình ở chỗ vắng vẻ. Quận đã cho họ thuê vỉa hè rồi và giờ là lúc họ phải thu tiền hoàn vốn. Cụ Hưng chẳng cần quan tâm điều đó. Cụ chỉ ngạc nhiên làm sao người ta có thể không thương tiếc quất vào nhau những từ ngữ tục tĩu thế trước mặt trẻ con.

Cụ không phải người hoài cổ, cực đoan để luyến tiếc vô điều kiện tất cả những gì thuộc ngày xưa cũ. Vườn trẻ không còn nữa cái cầu tụt, cái bập bênh, nhưng trong ánh mắt của cụ chỉ ẩn chứa sự bình thản mà không trách móc. Thậm chí cụ vui vì thế hệ cháu chắt cụ có nhiều thứ chơi hơn thời của cụ, hấp dẫn hơn cái bập bênh và cái cầu tụt nhiều lần. Chúng có thảm bay, xe đua tốc độ, có bể câu cá (bằng nhựa), có sân nghịch cát (bằng hạt muồng muồng), có chỗ xếp hình để xây dựng những ngôi nhà ước mơ.

Tuy nhiên, khi đến cuối vườn thì một nỗi buồn thật lớn tràn ngập trái tim bé nhỏ cụ Hưng. Cụ xót xa vì cái hồn Vườn trẻ đã bị đánh mất: Không còn hàng cây lung linh giọt nắng, che những con đường nhỏ rải đa dăm cho trẻ đi dạo, chúng bị chặt không thương tiếc để lấy đất làm nhà cửa. Không còn bóng chim dáng thú. Không còn tiếng hát thiếu nhi trong như giọt nước mùa xuân. Cái đài phun nước và 4 ông cóc đang bị đập phá bỏ hoang, chắc vì chúng không biết làm ra tiền! Khắp vườn chỉ thấy bê tông, sắt thép, đồ nhựa rẻ tiền. Hàng quán xấu xí, ồn ào, lộn xộn, đứng theo tư thế đội ngũ xiết chặt trong khoảng không gian chật hẹp. Nó đã thành một cái chợ (chứ không phải một cái vườn), sản phẩm của một cỗ máy kinh doanh, chạy hết tốc độ, không có thời gian dừng lại suy nghĩ về những giá trị thẩm mỹ hay là giáo dục.

Trò chơi trở thành nô lệ cho ông thần tài, chứ không phải thứ định vị cho tâm hồn trẻ, hậu quả của cái gọi là “sự xã hội hóa” thô thiển. Nó khuyến khích các cô bé ngây thơ, cái nhìn dễ thương như cô cún con, cầm cái vồ gỗ hăm hở đập lên đầu những chú ếch, càng nhiều càng giỏi (!) trong sự cổ vũ ầm ĩ của cái giọng nói ngoại quốc phương Bắc lơ lớ. Nó xúi giục các cậu bé, mắt vẫn còn đen như viên mã não, đặt tiền ăn sáng cá độ vào những trò chơi điện tử. Thật hài khi trên đầu treo khẩu hiệu “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Nó mời mọc những con trẻ, nụ cười còn nhe cả răng, tâm hồn còn thích phiêu lưu theo chú mèo Tom và chuột Mickey vào xem những phim “5D” (!) mang cái tên “Con đường máu”, “Đường đua Tử thần”!. Thật đáng sợ khi hàng trăm đứa trẻ thi nhau lăn lộn, vầy vò trong các nhà bóng với hàng ngàn quả bóng nhựa TQ mà chưa ai dám khẳng định chúng không có độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Rồi cả những chiếc đu bay… mỗi lần hoạt động lại kêu thét như con thú bị thương, đã có ai, tổ chức nào kiểm tra định kỳ để đảm bảo độ an toàn của chúng?

Đi trong Vườn trẻ không thấy tâm hồn thư thái. Khắp nơi ầm ĩ tiếng loa thùng mở hết cỡ, tiếng những ông bố hớt hải tìm con bị lạc, tiếng cô gái trẻ bật khóc hu hu vì bị cắp móc mất tiền. Người đàn bà bán hàng rong, mặt vắt ngang dọc bao nhiêu đường nhăn, an ủi: “Thôi lần sau đưa cháu đi chỗ khác vắng vẻ mà chơi!”. Thật bất ngờ khi cô gái nổi giận: “Bà người ở xứ nào đấy? Cả Hải Phòng này có mỗi chỗ cho trẻ con. Không đến đây thì đi đâu?”. Đấy cũng là suy nghĩ chung của người dân thành phố Cảng từ rất lâu rồi. Nhiều người có tiền, có tâm, muốn thay đổi thực trạng này. Và họ đã làm!

“Rồng biển” mắc cạn

Vào đầu thế kỷ, khi có doanh nghiệp tỏ ý muốn lấy mảnh đất cuối dòng sông Lấp, cách Vườn trẻ vài trăm mét, để xây dựng 1 công viên cho trẻ con và người lớn có chỗ “vui chơi nhảy múa” thì các nhà lãnh đạo Hải Phòng “ô kê” ngay. Nhà đầu tư nhiều “đại gia” hứa sẽ bỏ ra 52 tỷ đồng cho dự án này. Bởi thế, ngày 28/10/2002, TP Hải Phòng ký cho Cty CP Du lịch Hải Long được thuê 1,7ha đất phường Minh Khai, quận Hồng Bàng trong thời hạn 30 năm, để họ biến nơi này thành Công viên Rồng Biển (Công viên RB).

Ngày chúa Giáng sinh, Công viên RB mở cửa dù chưa hoàn thành. Người Hải Phòng đổ xô đến. Rồi họ bỏ đi cũng nhanh như là khi đến! Ngay năm đầu tiên, nhà đầu tư lỗ 3,654 tỷ đồng.

Họ ngồi họp lại, chẳng khó nhận mặt ra 4 nguyên nhân. Một – Đất “Rồng Biển” đẹp nhưng mà bé quá, mới mở cửa vào đã thấy cửa ra. Trong khi các dự án tương tự ở HN hoặc TP HCM được xây dựng trên diện tích vài chục ha, trẻ đi cả ngày không hết chỗ chơi. Hai – Đầu tư quá lớn (55,7 tỷ đồng) trong khi vay đến 41 tỷ đồng. Ba - Cảm giác mạnh chỉ phù hợp với thanh niên, và cũng chỉ chơi 2 lần là hết “cảm giác”. Trẻ con không dám chơi trò chơi cảm giác mạnh. Bốn - Thiết bị trò chơi hiện đại nhập từ Đức về, giá đắt, lại không phù hợp khi hậu VN, thường xuyên hỏng hóc, thay thế bảo dưỡng tốn kém và hoạt động thì… tốn điện!

Công viên RB càng mở cửa thì càng lỗ. Điều nguy hại là không thấy ánh sáng ở phía cuối đường. Đứng trước nguy cơ sập tiệm, Cty CP Hải Long phải cầu cứu đến 1 cổ đông của chính mình – Ông Đào Toàn, chủ tịch của PG, 1 tập đoàn kinh tế tư nhân chuyên kinh doanh bất động sản, công nghiệp, thương mại…

Sau 1 cuộc họp bất thường, các nhà lãnh đạo PG gật đầu. Sau này họ mới nhận ra việc nhảy vào cứu “Rồng biển” chẳng khác gì việc truyền thêm máu cho bệnh nhân đã chết lâm sàng vì xuất huyết nội. Ngày 4/8/2004, Cty CP PG Rồng Biển (PGRB) ra đời, chủ tịch HĐQT là ông Đào Toàn – 1 người nổi tiếng trong các cuộc bán đấu giá làm từ thiện ở Hải Phòng.

Việc làm đầu tiên của PG là xuất 8 tỷ đồng trả nợ và cố duy trì sự sống đang thoi thóp của “Rồng biển”. Sau đó, các nhà kinh tế giỏi nhất PG hăm hở bắt đầu đợt đầu tư giai đoạn 2. Ngày 23/12/2004, TP Hải Phòng đã cho phép PG được xây dựng 2 hạng mục bổ sung trong Công viên RB là Nhà Bowling và Nhà trò chơi trẻ em. Họ hi vọng ở PG. Thời gian dần trôi… Du khách đi ngang qua đây nếu không được người địa phương giải thích thì không biết gọi cái đám gò đống lổn nhổn sắt thép, cỏ cây, gạch vỡ này là cái gì? Cảnh tượng tiêu điều, hoang hóa ở Công viên RB ngay trung tâm Thành phố đã làm người dân Hải Phòng bực bội. Họ lên tiếng trong các kỳ họp của HĐND TP.

Tháng 4/2008, Thanh tra liên ngành TP Hải Phòng đã đến Công viên RB và giữa ban ngày họ không nhìn thấy Nhà Bowling 5 tầng đâu. Nơi có ánh sáng duy nhất ban đêm trong Công viên RB là Nhà hàng Vạn Tuế với các thực khách mặt hồng vì bia và Nhà trò chơi trẻ em rộng 1.488m2 đã xây xong, nhưng không thấy có búp bê, gấu bông bên trong, chỉ thấy… tủ lạnh, tivi, máy giặt! Thì ra PGRB đã cho Cty Samnec thuê Nhà trò chơi trẻ em để kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh.

Một sáng năm 2008, có cô bé vào Công viên RB. Nó không có nhu cầu nhậu ở Nhà hàng Vạn Tuế hay vào Samnec mua TV màn hình phẳng, nó nhìn thấy cái đầu Rồng, muốn vào bên trong lật đám cỏ dại để xem đuôi Rồng. Một người bảo vệ chạy ra quát đuổi: “Này con bé kia! Muốn vào công viên cũng phải hỏi chứ!”. Tôi an ủi cháu: “Ở đời ai cũng có lúc buồn khổ. Như các chú (PG) đây 3 năm kinh doanh lỗ 9 tỷ đồng. Họ đau lắm đấy mà có khóc đâu!”. Cháu có vẻ hiểu, nó chùi nước mắt rồi còn quay lại vẫy chào chú bảo vệ vừa đuổi nó!

“Rồng biển” thất bại. Từ đó chẳng còn ai nghĩ đến chuyện làm khu vui chơi tử tế cho trẻ con ở Hải Phòng. Bởi vì những nhà tỷ phú lãng mạn như ông Đào Toàn ở đâu cũng hiếm như răng gà mái.

Còn nhà văn hóa thiếu nhi để hoang

Tại sao 100 năm trước, người Pháp làm được cho trẻ con cái Vườn trẻ, 100 năm sau Hải Phòng lại không làm được cái gì cho ra hồn hơn Vườn trẻ?. Thực ra họ đã cố đấy. Năm 1980, Hải Phòng khởi công xây Cung Văn hóa Thiếu nhi trên một mảnh đất rất đẹp, rộng 4,9ha, tại đường Lạch Tray để cho trẻ con đến đấy học múa học hát, học võ học vẽ, nhưng không có học văn hóa (Chức năng ấy của nhà trường). Chỉ tiếc rằng có một ấm trà tốt lại để vào tay kẻ rót trà tồi!

Một thời, Cung biến thành nơi tụ bạ của những phần tử bất hảo. Đêm xuống, các cô gái môi đỏ chót, ướt như vết thương đẫm máu giữa mặt và đám con nghiện tàn tạ như đống rẻ rách xuất hiện, làm các ông bố, bà mẹ kinh hồn, vội dắt con chạy thật xa khỏi Cung Văn hóa thiếu nhi. Báo chí lên tiếng làm cho không gian Cung trong sạch hơn, thì lại là lúc những nhà lãnh đạo Cung chìm trong các vụ kiện tụng nhau. Nóng mắt, Tp Hải Phòng quyết định đầu tư cho Cung Văn hóa thiếu nhi thật là hoành tráng, ngân sách ghi tiền 82 tỷ đồng! Thế nhưng, 5 năm trôi qua, chỉ có cột nhà Cung mọc lên được 6 tầng, vì Cung hết tiền!

Vào một ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến Cung Văn hóa thiếu nhi. Mặt trời như một quả bưởi sáng quắc bắt đầu lặn trên bầu trời có màu tím đậm. Thật trái ngược với Vườn trẻ, Cung giống như cái… vườn hoang!

Chúng tôi đi vòng quanh Cung trên những con đường đầy vết lở loét, vắng người. Có mùi khét nẹt buồn nôn của cao su cháy trên bãi đất hoang sau Cung. Dưới một cái cây chết khô, những cành trơ trụi giống như đường nét của một tia chớp đen xì, một con chó già kiệt sức vì nóng, chỉ uể oải sủa vài tiếng nhát gừng đáp lại đám bạn trong các ngôi nhà ven hồ. Trong Cung văn hóa thiếu nhi mà có rất ít thiếu nhi. Chỉ thấy vài đám thanh niên hò hét trên sân bóng đá mini mặt cỏ nhân tạo và những người lớn đang cầm tay nhau đi trong tiếng nhạc Tango dặt dìu như tiếng xé miếng lụa đen. Và rồi bóng đêm mềm mại tràn tới bao trùm lên Cung. Nơi sáng đèn nhất trong Cung là các hàng quán. Phần lớn không gian của Cung đã đem cho thuê. Khắp Cung là những quảng cáo cho các hoạt động tuyển sinh của Trường phổ thông tư thục đa cấp (dạy từ lớp 1 đến lớp 12), Mầm non Ngôi sao, chiêu sinh tiếng Anh, vi tính…

Trong một cuộc họp gần đây, thành phố lại hứa cho tiền để hoàn thiện nốt cái Cung 6 tầng dang dở. Vùng đất còn lại của Cung sẽ được quy hoạch thành khu vui chơi, theo phương thức xã hội hóa. Ôi một ý tưởng rất hay sao bấy lâu nay không làm? Chúng tôi không nghĩ vấn đề là tiền! Hàng chục tỷ đồng ném vào lễ hội du lịch sông Hồng chẳng đọng lại gì trong dân! Hàng chục tỷ đồng nuôi đội bóng đá, những đứa con được nuông chiều của vài lãnh đạo thành phố, chẳng thấy kết quả nhỡn tiền (40 năm rồi vẫn chưa một lần được sờ tay vào chiếc cúp vô địch quốc gia). Chỉ cần bớt từ đấy ra, Hải Phòng đã có một Cung văn hóa thiếu nhi hoành tráng, ngạo nghễ nhìn xuống Vườn trẻ từ độ cao 35m.

Đất trong các cung đang bị xâm phạm trắng trợn: Sàn nhảy MOS ở trong Cung văn hóa thanh niên, nhà hàng SPACY ở sau Cung văn hóa Việt Tiệp. Những người cầm quyền trong cung chẳng tha cái gì, đến đài tưởng niệm cụ Nguyễn Đức Cảnh thiêng liêng là thế họ cũng chẳng từ! Ông giám đốc Cung văn hóa thiếu nhi đã làm ngơ các nguyên tắc, khi cho Cty TNHH Xuân Thủy “xí chỗ”, bằng một hợp đồng ghi nhớ, những phần đất vàng rộng mênh mông phía sau Cung. Nói trước không thừa. Các nhà lãnh đạo Hải Phòng hãy nhìn tấm gương Vườn trẻ để ở đây, Cung văn hóa thiếu nhi, có được sự “xã hội hóa” lương thiện. Đừng biến sân chơi của các cháu thành sân chơi của những người lớn!

Link Facebook