28 thg 7, 2014

Chạy trường - một cuộc thi bất bình đẳng


Tháng 6, tôi đến trường T. Cô hiệu trưởng không có nhà, nhưng ngoài hành lang có 20 người đang đứng bồn chồn, nhìn vào cửa phòng khóa trái. Ông bảo vệ già than thở: “Họ đã chờ đợi ở đó 3 giờ đồng hồ. Nói cô hiệu trưởng đi vắng, song họ không tin!”.

Từ nhiều năm nay, cứ sắp đến mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh lại bước vào cuộc chạy đua trường, lớp thường niên. Xin cho con vào một trường học tốt là nguyện vọng rất tự nhiên, chính đáng của mọi cha mẹ học sinh. Thế nhưng, đây là một cuộc thi bất bình đẳng, bởi chỉ những người có tiền, có quyền mới có cơ hội thắng cuộc.

Có quyền tiến vào cổng chính

Tôi đã tưởng rằng người đi xin học sẽ chỉ mang vào phòng cô hiệu trưởng các lời cầu xin hoặc những cái nhìn cầu cứu. Hóa ra không phải! Đầu giờ chiều ngày hôm ấy, có người đàn ông chắc nịch như là biểu tượng của sự no đủ bước chân vào căn phòng đó. Tôi biết ông ta - một quan chức sở T.C. Ông cầm tờ đơn có mang bút phê của lãnh đạo ngành giáo dục chĩa vào mặt cô hiệu trưởng, giọng rít lên như cánh cổng bằng sắt lâu ngày không được tra dầu: “Tại sao không giải quyết trường hợp này?”. Tất cả lặng đi, không khí căng thẳng như lấy tay sờ vào được. Nào ngờ hiệu trưởng lại là người có bản lĩnh ghê gớm. Giọng cô vẫn êm như tiếng hát phát trên sóng đêm khuya: “Đầu tiên xin anh nhổ cái bã kẹo cao su trước khi vào phòng nói chuyện với tôi, một người phụ nữ!”. Cả phòng ồ lên tán thưởng, làm vị quan chức cấp sở đứng trơ ra như hình vẽ trên giấy dán tường.

Sau này, cô hiệu trưởng kể lại rằng: Những kiểu người như thế này cứ đến mùa tuyển sinh lại mọc lên như nấm trong phòng của cô. Họ là thân bằng cố hữu gần xa của các quan chức thành phố, quận huyện, sở ngành. Mỗi người đều cầm trong tay một giấy thông hành vào trường - Đơn có chữ ký của lãnh đạo có thẩm quyền. Về mặt nguyên tắc, không hiệu trưởng nào từ chối lá đơn như thế. Đấy cũng là chuyện bình thường. Điều đáng nói là thái độ trịch thượng và sự lạm dụng của những người được cầm tờ giấy đó đã gây áp lực nặng nề lên các thày cô hiệu trưởng.

Một ngày đẹp trời, cô KA tiếp một người phụ nữ bóng láng như được bọc trong một lớp sơn mài. Bà ta được lãnh đạo quận giới thiệu xuống trường. Cô KA đã sắp xếp cho cháu của bà vào lớp cô B theo đúng yêu cầu. Nhưng 3 hôm sau, bà lại xuất hiện. Lần này, bà đòi cho cháu bà được học lớp cô C “vì con bạn thân của nó học lớp cô C”(!). Hiệu trưởng từ chối. Cô nói nhà trường đâu phải cái chợ. Thế là lớp vỏ lịch sự của bà tan chảy. Bà hỏi ngạo nghễ: “Cô tưởng là không có cô thì cháu tôi không được vào lớp C chứ gì?”. Rồi bà rút điên thoại ra “A lô!” với sự ấm áp mê hồn: “Anh à…”. Nói xong, bà ngúng nguẩy rời khỏi phòng, sau khi đã ném vào cô KA cái nhìn khinh bỉ như cô không đáng sống chung cùng một trái đất với bà! Tôi không biết rõ đoạn kết của câu chuyện này, nhưng rất có thể cô hiệu trưởng phải nhượng bộ ý thích đỏng đảnh của người đàn bà. Bởi chiều hôm đó, tôi gặp bà ngồi trong quán café với một quan chức thành phố. Từ trong tóc bà tỏa ra mùi hương lấp lánh của hoa Thủy tiên vô cùng dễ chịu!

Cô hiệu trưởng trường QT cũng tưởng mình được dễ chịu khi cô vừa công khai xong danh sách học sinh mới tuyển. Thế rồi một người đàn ông cao như con vạc bước vào phòng cô. Cô nhìn tờ đơn xin học có chữ ký của lãnh đạo từ trước ngày này một tháng, rồi giọng đau khổ: “Sao chân bác dài mà bác đến chậm thế này?”. Người đàn ông cười nhăn nhở: “Chữ ký lãnh đạo có bao giờ thiu!”. Tất nhiên, nụ cười đó đã tắt ngóm khi cô từ chối nhận đơn. Lập tức, ông té tát lên người cô bài giảng về sự cộng sinh “Phải dựa vào nhau mà sống!”. Ông nói rằng ông có nhiều quan hệ đủ nặng để bỏ qua các nguyên tắc và phớt lờ mọi logic. Quả thật, ông đã chứng minh điều đó. Ông về được khoảng nửa tiếng là điện thoại của cô reo. Cấp trên của cô gọi đên, giọng không vui vẻ!

Điều đáng buồn là có nhiều nhà báo đã trở thành những nhân vật mà nhà giáo không muốn gặp. Hiệu trưởng TH kể rằng: Anh Đ đứng giữa phòng cô cao giọng: “Cô biết tôi là ai không?”. Bởi cô nói rằng cô không biết anh (Đơn giản vì cả một năm, anh chỉ viết được nhõn cái tin to bằng vỏ bao diêm) nên anh nổi giận! Anh giở giọng đe: “Cô có rất nhiều đơn thư gửi đến chỗ tôi!”. Khi cô rắn rỏi đề nghị anh cho cô biết cô có tội gì, thì anh dịu giọng làm lành: “Anh có thằng cháu muốn vào trường cô!”

Anh Đ không biết, trong mùa tuyển sinh, dân xã hội đen cũng thường ghé qua trường cô. Giống như anh Đ, họ cũng tự cho mình là những người có quyền. Khác với anh Đ, đầu tiên họ cũng biết nói những lời hâm mộ sống sượng với cô hiệu trưởng, sau đó thì mới dở mặt nếu thấy đòi hỏi cho con, cho cháu, không được thỏa mãn! Dĩ nhiên, không mấy hiệu trưởng khuất phục trước lời đe dọa đốt trường, hay nhằm vào sự an toàn cá nhân của đám người vốn thản nhiên trước thói bạo lực công khai. Mặc dù sau này cô TH kể: “Người nó có cái dòng điện thoát ra làm cho em thấy bất an. Nó vừa bắt tay em xong, em phải xem lại mấy cái ngón tay của mình!”. Tuy vậy, cũng có người chọn “một điều nhịn (để lấy) chín điều lành”.

Có tiền đi vào cổng sau

Không thiếu nhà trường Hải Phòng đã thực hiện các cuộc xã hội hóa giáo dục luôn đi kèm theo khuôn mặt tái mét của những người dân khốn khó. Tiếng rằng “tự nguyện”, nhưng các cô giáo ngồi sau chiếc bàn thu tiền trái tuyến trường ĐTH không hề để ý đến lời van vỉ câm lặng của người đàn bà dắt đứa con nhỏ sắp vào lớp 1 mà xương sườn mỏng như là lưỡi dao nổi rõ dưới lớp da xanh, khô đét, phập phồng. Họ nói năm ngoái nhà trường thu 7 triệu đồng, năm nay xây dựng nhiều hơn, các bậc phụ huynh xin hãy biết điều! Cách xã hội hóa thô thiển như vậy chỉ tạo lợi thế cho những người như ông K trong cuộc lựa chọn môi trường giáo dục.

Ông K chẳng có quyền gì to tát trong xã hội “đỏ” hay “đen”. Ông thường tự nhận là người có các ước mơ khiêm nhường và những mong muốn tầm thường. Tuy nhiên ông lại có tiền. Nhiều tiền đến nỗi một cô gái trẻ hơn ông 2 giáp, đã hăm hở chọn cưới cái tài khoản ngân hàng mang họ tên ông hơn là chính chủ của nó. Thế nên, việc cho 4 đứa con vào trường chuyên, lớp chọn với ông là chuyện “nhỏ như con thỏ”. Ông biết rành rẽ “giá cả” nhiều trường. Này nhé: Vào ĐTH - 20 triệu đồng, nếu chọn vào lớp cô X - thêm 5 triệu nữa! Vào Mầm Non Y - 15 triệu đồng… Tất nhiên, bảng giá này không công khai ở bất cứ đâu. Nó chỉ truyền khẩu trong giới cha mẹ học sinh.

Có một buổi tối, C đưa cô bạn gái đến nhà tôi. Cô bức xúc lắm vì thấy bàn tay cứ giật bồn chồn vào cái gấu áo. Cô đã đưa tiền cho P, hiệu trưởng, để xin cho con vào lớp chuyên Anh. Đến ngày cuối cùng, cô được anh P trả lại. Tôi hỏi cô đưa bao nhiêu? Cô cứ ngập ngừng khiến C giận quá quát lên: “Nói toạc ra đi!”. Cô bảo: “1500(USD)! Bọn bạn bè em nó mắng “giá làng” 2500 mà mày đưa thế thì con mày trượt đầu nước!”. Dĩ nhiên, chẳng có thầy cô hiệu trưởng nào chịu thừa nhận có một “giá làng” như vậy. Tôi nghĩ họ cũng có lý.

KT là cô hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng Hải Phòng. Thế nhưng, không phải vì thế mà ai cũng biết mặt cô. Buổi sáng hôm thứ 7 đó, cô vào trong quán bún gà của bà Tư phố Cát Dài. Có người đàn ông, mắt như 2 hòn bi ve lọt thỏm giữa đôi má nung núc thịt, ngồi ăn đùi chặt (Đương nhiên, bà Tư chỉ chặt đùi gà). Rượu vào lời ra, giọng gã làm rung chuyển cả vách quán: “Tối qua, phải đút cho con KT 20 “củ” (triệu) để xin học cho thằng cháu!”.

Bà Tư biết cô KT cũng 20 năm, hỏi vọng: “Đưa tận tay à?” - “Thì tận tay mới hiệu quả ngay tức thì!”. Bà Tư mủm mỉm chỉ cô KT: “Có biết ai không?”. Lắc đầu. “Cô KT đấy!”. Gã đàn ông tóc dựng ngược, mặt cắm xuống đĩa thức ăn. Có tiếng kêu rắc của răng bị mẻ, chắc chắn vì gã đã đánh giá sai độ cứng của cái chân gà!

Tôi hỏi thầm gã: “Ông có đưa tiền thật không?”

- Có chứ! Tao đưa 10 củ (từ 20 đã xuống 10) cho thằng P phòng thuế quận!

Hiển nhiên là đến lúc đó, cô KT vẫn chưa biết ở trên đời có tồn tại một “thằng P phòng thuế quận”!

Anh G, trong đội đại gia Hải Phòng, chìa cho tôi xem một cái tin nhắn trên máy cầm tay của anh: “Em có 3 suất vào 3 trường điểm MK, CVA, ĐTH. Anh xem ai có nhu cầu bảo họ gặp em. Giá mềm!”. Tôi hỏi tên tay cò này. Anh G từ chối. Chỉ có thể biết người này thuộc diện thân bằng cố hữu gần xa của các quan chức thành phố, hay chồng hoặc vợ của thày, cô giáo trên sở, thâm chí là một nhà báo đã lợi dụng sự nể vì của những người có thẩm quyền.

Cái đám cò tự do này đã làm xấu mặt oan uổng một số thày cô hiệu trưởng. “Một số” là những hiệu trưởng biết câu châm ngôn: “Sự khôn ngoan chỉ nảy sinh sau khi việc xong còn hơn sự ngu dốt xuất hiện trước khi công việc bắt đầu!”. Họ không giống phần còn lại “nhận tiền trước khi nhận trường” (ngu dốt). Họ chỉ (khôn ngoan) nhận sự cảm ơn sau khi con trẻ đã được nhập học. Cảm ơn thì là chuyện tình cảm rồi! Không ai lại đi luận tội tình cảm! Tuy nhiên, có người dễ dãi nhận sự cảm ơn như cô hiệu trưởng trường Đ nổi tiếng. Cô không lấy tiền, mà chỉ đề nghị phụ huynh ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ, mà cô là người đại lý, cả 2 bên cùng có lợi.

Lại có người rất khó khăn như thầy PL ở trường HB. Phụ huynh kể rằng: Nhà thầy luôn đóng chặt cửa, họ phải kiên nhẫn đứng chờ ngoài đường, đến khi vợ thầy mở cửa đổ rác mới có thể vào được nhà. Tiếc rằng người như thầy lại quá ít!

Hải Phòng có điểm đặc thù. Nơi đây có gần 70.000 cháu 3 đến 5 tuổi “đang lang thang ở đâu đó” - vì không có chỗ nhập học. Bởi đã 20 năm nay, thành phố không thèm xây thêm một trường mầm non công lập, khiến cho năm nào chuyện đi học của trẻ con cũng làm đầu người lớn sôi sùng sục. Người dân thi nhau xếp hàng trả giá để cho thằng cu, cái tý được đặt chân vào cổng trường. Điều này giải thích cho sự phất lên đột ngột của nhiều hiệu trưởng mầm non mấy quận nội thành.

Sau khoảng 3 năm, ai mới gặp lại cô T chưa chắc đã nhận ra cô. T đã vất bỏ những bộ quần áo tông màu nâu xám tẻ nhạt để thay thế bằng các gam sắc ồn ào của thời trang Hàn Quốc. Đừng tưởng chỉ nữ doanh nhân mới mang túi xách Gucci đâu nhé! Một lần gặp cô C và cô H ở siêu thị Plaza, tôi ngỡ ngàng thấy các cô mua hàng hiệu dễ như tôi mua kẹo cao su!

Công bằng mà nói chuyện đút tiền cho hiệu trưởng chưa bao giờ là công khai, chỉ có “trời biết, tôi biết, thầy biết”. Nhưng chưa nhìn thấy không có nghĩa không tồn tại. (Nó giống như chuyện 10% trong xây dựng). Người ta chỉ dám thì thào, thậm chí chửi đổng… với nhau (!) bởi các cụ đã dạy rồi: “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Vì vừa tù mù lại vừa phổ biến như vậy, chúng tôi không dám vơ đũa cả nắm. Hơn nữa, bản thân từng biết có nhiều thày cô hiệu trưởng lòng sáng như gương, chắc chắn họ không nổi giận khi đọc bài này.

Sẽ thật là duy ý chí nếu nghĩ có thể triệt hạ được tệ lạm dụng tiền bạc, đã làm méo mó môi trường giáo dục, bằng những quy định, chỉ thị. Muốn xóa bỏ được cuộc thi chạy trường theo kiểu Việt Nam khác lạ, chỉ có mỗi cách xây dựng đủ trường cho các cháu học và nâng thật cao trình độ giáo viên. Và đây là chuyện của tương lai… xa! Do đó, sang năm, chúng ta lại tiếp tục viết về chuyện chạy trường - một cuộc đua không bình đẳng!

Link Facebook