28 thg 7, 2014

Bão từ Brazil nổi lên lúc nửa đêm

Đêm ngày 14.7, hàng vạn con người trên sân vận động Rio Janeiro sẽ cất tiếng hát hào hứng bài ca chính thức của “Brazil 2014”: “We are one”. Đoàn xe tăng Đức sẽ chiếm lĩnh trận địa hay những phù thuỷ sân cỏ Nam Mỹ ôm chiếc Cúp vàng nhảy điệu Tango? Sẽ có cả một dân tộc không ngủ để khóc, để cười. Họ vô tình hay nhẫn tâm bỏ mặc chúng tôi bơ vơ, hụt hẫng, tâm hồn hoang vu, ăn cái gì cũng nhạt mồm. Bốn năm - thời gian quá dài, FIFA đặt ra để thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Ai quay trái đất nhanh hơn xin được tặng giải Nobel World Cup.

Những “tội đồ” tình nguyện

Người đàn ông ấy hết ngồi xuống lại đứng lên, đi đi lại lại, rồi nhìn bất động vào một không gian mơ hồ nào đó. Nếu không có mùi ête nồng nặc và vẻ mặt khó đăm đăm của cô y tá trong phòng chờ sản phụ đẻ, tôi đã tưởng anh là một thi sĩ đang đau khổ vì chưa chạm được vào đôi cánh Nàng Thơ. À phải! Vợ anh đang nằm ở đó chuẩn bị một cuộc sáng tạo Con Người. Mẹ anh ngồi trên chiếc ghế “băng” gỗ, thủ thỉ: “Mẹ con tôi chờ 3 năm rồi đấy. Lần này lạy trời... cho thằng con trai, đặt tên Hùng Cường!”. Nhìn vẻ chịu đựng nhẫn nại của bà và dáng lo âu bồn chồn của người đàn ông, tôi đã muốn nói lời động viên họ, thì bỗng thấy anh bực tức thốt lên: “Trai gái gì thì cũng đẻ quách đi! 2 giờ 59 phút rồi còn gì!”. Giời ơi! Hóa ra không phải anh đỏ mắt chờ “Hùng Cường” bật khóc oe oe trong cái phòng trắng toát này, mà là dỏng tai đợi tiếng còi khai cuộc trận mở màn World Cup 2014 của ông trọng tài người Nhật Bản tận bên trời Brazil kia! Anh ấy không phải là người vô tình. Bà và chị đợi Hùng Cường mới 3 năm, còn anh ấy thì chờ mong World Cup những 4 năm rồi! Anh ấy là một “tội đồ” của môn túc cầu.

Ở cái thành phố Hải Phòng gần 2 triệu dân, những kẻ “tội đồ” như anh phải lấy lá đếm. Họ có mặt trong bệnh viện, nhà ga, trường học, công sở. Họ đi trên các ngã tư, họ đứng bên cạnh chúng ta. Họ là đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Trên trán họ không đóng dấu! Thế nhưng, họ có hành động bất ngờ của những “nam tử túc cầu” lắm khi làm hội phụ nữ lo lắng. Có một buổi chiều, chị Mơ, trưởng phòng kỹ thuật của Viện TK, dở di động thấy cái tin nhắn của anh B. chồng chị: “Em gắng trông nom nhà cửa, con cái cho anh đi World Cup xong lại về!”. Chả là anh đã khăn gói tạm rời cái nhà 5 tầng mặt tiền, cửa kính tường gương, để xuống Trại nuôi gia cầm (Nơi anh đã có một thời làm sếp) suốt ngày sặc mùi phân gà thum thủm để “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” với đám đệ tử cuồng nhiệt của mình. Anh không phải người đồng tính,vậy thì Ronaldo có cái gì hấp dẫn hơn người vợ đẹp mà “khuyết điểm” duy nhất là: thích nhảy Tango hơn thích xem đội Brazil nhảy Samba? Chị Mơ không hiểu. Và nhiều người phụ nữ đáng kính khác trong cái ngõ hẹp nhà tôi cũng thật không hiểu. Nhìn thấy một gã đàn ông áo quần xộc xệch, đầu tóc rối bù, mặt mày phờ phạc, bước chân khỏi nhà quên cả chào vợ, họ lại chép miệng thương hại: “Khổ quá! Nào có họ hàng thân quen gì với mấy ông Italia mà phải đau đớn vì họ thua trận, xách va ly về nước sớm cơ chứ. Cái gã cha răng chú kiết nào đá phạt đền ra ngoài, thì dính gì đến con cún mà nhẫn tâm đá nó văng ra cửa! Toàn lão “dở hơi!”. Rất may là lão “dở hơi” mắt nhắm mắt mở, mỗi chân một giày phóng vội vàng đến cơ quan, nên không phải chứng kiến sự “hẹp hòi” của đám phụ nữ. Tình yêu con người bao la trùm khắp 32 quốc gia của họ lẽ nào các bà có thể hiểu được!

10 giờ sáng ngày 28-6, một gã “dở hơi” hình hài như trên, có thể thảm hơn một tý, rụt rè theo chân một người phụ nữ phơi phới tới quán phở đường Trần Phú. Anh chàng khẽ gọi chủ quán lấy một chai bia. Chị vợ gầm lên như cổ động viên đội Anh: “Không!”. Ái ngại, bà chủ quán nói thẽ thọt: “Dạo này xem ra ông nhà xuống mã nhiều lắm! Bà để ông dùng một cốc...”. Ôi thật bất ngờ, tôi thấy chị nuốt 2 giọt nước mắt bằng 2 hột ngô đậu trên khóe môi, nói đầy oan ức đau khổ: “Nào ai làm tình làm tội ông ấy? Chỉ tại quả bóng nó vồ!”. Vừa lúc một “tội đồ” khác xuất hiện. Thế là họ vồ lấy nhau, tay chân vung vít, nói cười ha hả, mặc kệ chị vợ nghiến răng trút nỗi căm hờn vì bị bỏ rơi vào bát chân gà.

Những người đàn bà sống chung với... lũ World Cup

Đêm ngày 2.7, nhà báo AT, tác giả của nhiều bài viết có mùi gươm đao, sau gần một giờ đồng hồ không chinh phục được cao điểm cuối cùng: “Không được hét to!” nằm trong hàng rào cấm vận bóng đá của vợ, đã nổi khùng lên tuyên bố: “Xem bóng đá không hét to khác nào đi ị không tè! Có chuyện Trạng Quỳnh hiện đại!”. Chị vợ chạy sang hàng xóm kể khổ: “Chẳng biết tivi nó “vào” cái gì mà lão sướng quá hét như thằng điên, rồi đét cả vào mông tôi, hãi hết cả người!”.

- “Không chống lại được World Cup, vì nó là lũ thế giới, không phải lũ ta! Thế thì tại sao lại không tìm cách sống chung với... lũ!”- Trên vỉa hè phố Lãn Ông, chị bác sĩ T. giải thích với tôi về sự lỉnh kỉnh những làn và túi, đựng nào thạch dừa Bến Tre, sữa Vinamilk, Mì ăn liền, café bột. Hầu ăn, hầu uống cho các “đức ông” không khó (Nói cho công bằng họ cũng chẳng đòi hỏi gì quá đáng). Nhưng hầu được những trái tính trái nết đến mức ngang ngược của đám “tội đồ”, tôi xin kính cẩn chắp tay bái phục tấm lòng khoan dung độ lượng của những người phụ nữ siêu cấp ấy.

3 giờ 18 phút ngày 26-6, có một tiếng thét rùng rợn trong đêm từ nhà anh H. hàng xóm: “Thôi chết tôi rồi! giết người, giết người!”. Chúng tôi tung cửa ào sang. Thì ra chị H. ngủ quên không kịp đánh thức anh H. dậy xem trận Ecuador-Pháp. Giữa lúc anh H. rên rỉ vì bị “cướp không mất 18 phút”, chị H. lặng lẽ nhóm lửa đun nước cho chồng. Mãi khi màn hình hiện lên dòng chữ 0 - 0, chị mới mỉm cười nhẹ nhõm: “Đấy nhé! Đã có gì đâu mà cứ làm như trời sập”.

Cô giáo tiếng Anh Kim C. đặt hết hy vọng vào đứa con đầu trong kỳ thi tuyển Đại học Hàng hải năm nay. Đồng “Béo” là thằng bé ngoan, học không xuất sắc nhưng được cái chăm. Thấy nó gầy rộc, lờ đờ thiếu ngủ, chị thương con lắm. Thế rồi chị bỗng hốt hoảng: Đêm nào thằng Đồng cũng bỏ rơi nhà bác học Newton với định luật về quả táo nổi tiếng của ông để chạy nhông khắp sân cỏ Brazil theo chân tiền đạo Neymar… cùng với ba nó. Gã “tội đồ” không ngăn con, lại còn “vẽ đường hươu chạy”: “Trượt năm nay sang năm thi. World Cup 4 năm mới có 1 lần. Cứ xem!”. Chị đến nước phải lạy gã buông tha thằng bé, Thế là từ đó, đêm nào chị cũng phải thức cùng chồng, một mắt canh thằng con trai, một mắt coi gã cười, mếu, la hét, xuýt xoa...,

Cổ nhân nói rồi: “Hạnh phúc là cái chăn hẹp, người này ấm kẻ kia lạnh!” Tối ngày 1-7, CLB Khiêu vũ Tao đàn có gần 2 chục quí bà, quí cô đưa mắt nhìn nhau: “Hôm nay “chân nam” đi đâu, làm sao mà nhảy?”. Thưa, các “chân nam” không đi đâu cả. Hôm qua họ ngồi cả đêm, căng thẳng trước cái tivi xem Đức đá Algeria. Bà chủ quán Karaoke Thiên Đường tính sổ mỗi ngày lỗ bằng tiền triệu, nhấc điện thoại gọi rối rít các “thân chủ ruột” với những đề nghị khuyến mại đặc biệt: Hát “chùa”, “đào” xịn!... Kết quả cực kỳ khiêm tốn! Trước những cuộc tấn công ác liệt, liên tục hàng đêm của các “cơn lốc màu da cam”... quần đám “quân tử hảo cầu” mệt nhoài, chân run mắt mỏi, thì đám chị em đành phải dấu mình chờ... hết World Cup. Hàng trăm nhà hàng khách sạn trong khu du lịch Đồ Sơn, sang như ngôi biệt thự mới phục hồi của cựu Hoàng Bảo Đại, “hèn” như một cái quán lá, đều dài cổ vì mong khách. Tiếng sóng không làm át tiếng hò reo “vào rồi” của đám du khách lãng đãng ngồi dán mắt vào tivi, quay lưng lại biển.

Kìa một “giấc mơ” bay

Ông tiến sĩ K. nói từ trong bếp: “Chờ tí, rửa xong đống bát ra ngay!”. Vợ tôi nhìn tôi như kiểu: “Trông vào gương đấy mà soi!”. Tôi nhìn vợ và con gái gia chủ đang ngồi ruỗi chân nhàn nhã, ăn xoài, quạt mát, K chợt đi vào phân bua: “Cũng chỉ tại thằng Rooney đá như giày thối!” Hóa ra đêm qua K. thua cá với con gái, chung độ... một tuần rửa bát. Trong bảng thành tích của K. có thua: 5 ngày đổ rác, nửa tháng mắc màn, có thắng 1 tuần không phải uống thuốc C sủi, 4 hôm lúc nào thích tắm thì tắm (không được nhắc nhở)...

“Xem bóng đá không cá độ khác nào ăn thịt luộc không nước mắm” là chân lý được toàn thể “tội đồ” túc cầu thế giới thừa nhận. “Nhạt” nhất là kiểu cá độ bằng rửa bát hoặc đổ rác, hay được áp dụng trong các gia đình nền nếp hạnh phúc, với bố (một bên), mẹ con (một bên). Thông thường bố đặt cửa bằng lý trí, mẹ đặt cửa bằng tình cảm. 23 giờ ngày 20-6, Italia gặp Costa Rica. Con gái tôi nhắc: “Má! Italia 3 lần vô địch thế giới!”. Vợ tôi thản nhiên: “Má vẫn lấy Costa Rica. Nước ấy nó nghèo. Cầu cho nó thắng. Cầu thủ có thêm tiền thưởng!”. Thứ tự ưu tiên ủng hộ của vợ tôi là: Nước nghèo, Châu Á, thờ Phật! Hôm nào thấy bố và con căng nhau có thể xảy ra chuyện đổ... nước mắt, thì cô cầu trận ấy hòa!

Không có chuyện giặt quần áo, đổ rác, đám tội đồ ở cơ quan gây hưng phấn bằng những trận cá có men bia. Các quán bia cỏ rất “ôkê” kiểu cá này. Ở đấy người ta uống bia ướp nóng không khí bóng đá. Bia tuôn ào ạt như lời bình loạn. Ai cũng có quyền dạy dỗ Van Gaal, J.Loew những bài học về cách xếp đội hình chiến thuật. Ai cũng có quyền bắt “thằng” Messi đi bóng thế nào. Người ta tiếc rẻ nếu Huấn luyện viên đội Australia mà nghe họ thì đã có thể thắng đậm Hà Lan!

Không ồn ào như các tay cá độ bằng bia, N.K (Mê Linh), V.H (Chợ Con)... lặng lẽ tung quân do thám vào các quán café bóng đá ở Lạch Tray, Minh Khai. Họ là các trùm cá độ có cả trang web nối với thế giới. Triệu là đơn vị tiền tệ để họ làm các phép tính cộng trừ. Sau mỗi trận đấu, họ nhìn thấy những căn nhà thay ngôi đổi chủ, những “giấc mơ” (Dream) bay như hạt đỗ rơi khỏi tay. Họ là tác giả và là nhân vật của biết bao bi hài kịch. Họ đã cười như địa chủ được mùa vì sự bừng sáng của Robben. Và rồi không ít người khóc vì quả phạt đền của đội Mexico tối ngày 30- 6. Phút thứ 93, “Thợ săn” Huntelaar đá thủng lưới “Người nhện” Ochoa làm L.Đ.C ngồi ở Cầu Đất... đái dầm ra quần! (nghĩa đen). Anh mất 8.000 “đô” Mỹ. “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ!” Duy Thái ở Đặng Kim Nở chẳng thèm coi trọng các cụm hung từ “Những chú Bò tót”, “Những con Sư tử”, thắng liên tục vì toàn bắt “châu chấu”: Lấy Uruguay trận gặp Anh, lấy Chile trận gặp Tây Ban Nha. Đừng tưởng trong đám con bạc không có những kẻ lãng mạn, Anh P. “thắng trận” Colombia-Hy Lạp, chỉ xin cô buôn mỹ phẩm phố Ga Lê Ngọc H... 10 cái hôn! Chỉ tiếc anh mới... 61, tóc không còn nhiều, nhưng răng vẫn đủ.

Cá độ là gia vị trong bữa tiệc bóng đá, cần đủ liều lượng. Ăn mặn khát nước. Có khi cay chảy nước mắt.

Chỉ có 22 con người tranh 1 quả bóng, vậy mà bóng đá đã từng gây ra chiến tranh, đã từng lật đổ tổng thống. Nhưng hơn tất cả, World Cup đem lại hòa bình cho các dân tộc, niềm vui hạnh phúc cho nhà chính khách lẫn anh xe ôm, niềm khát vọng sống cho kẻ nằm trên giường bệnh hiểm nghèo, cho những người đang ngủ chui rúc dưới gầm cầu... Thật khó mà hình dung nổi một thế giới không bóng đá. Công bằng mà nói: Những cơn bão bóng đá nổi lên từ Brazil lúc nửa đêm mới chỉ làm đảo lộn cuộc sống vốn bình thường phẳng lặng của nhiều cá nhân, gia đình, chứ không thay đổi tiết tấu, giai điệu của một thành phố Hải Phòng gần 2 triệu dân như những kỳ World Cup trước! Có phải vì lòng người dân Việt Nam còn đang hướng ra biển Đông?

Link Facebook