Cái gì làm nên nhà báo điều tra
Quả thật, làm một nhà báo điều tra không thể lúc nào người cũng tinh tươm như vừa bước ra từ trong tủ kính. Đấy là chưa kể lắm khi còn lấm lem như côn trùng - cái sự lấm lem giúp cho xã hội sạch sẽ! Nhờ các nhà báo điều tra, người dân được biết từ sự làm ăn thua lỗ của nhiều tập đoàn kinh tế đến một dòng sông ô nhiễm, mắc chứng ỉa chảy hóa học hoặc những trang trại mênh mông của các quan chức nghỉ hưu…Nhiệm vụ của một nhà báo điều tra là phải tìm ra sự thật. Mà sự thật thì chẳng mấy khi đập vào mắt như cô điếm ngoài Đồ Sơn. Sự thật, đã khó nhận biết, có lúc lại được che dấu bằng những tập ảnh dối trá treo đầy trên các bức tường của phòng truyền thống. Nhiều lần, sự thật bị “thẩm mỹ” kỹ đến nỗi tưởng chỉ có trời mới biết, mà trời thì không sẵn lòng chia sẻ với các nhà báo. Thế nên, nhà báo điều tra phải kỳ công bóc từng lớp hóa trang che đậy sự thật như là bóc vỏ củ hành!
Hoàng “nổ” là phóng viên báo Tiền Phong, người Hải Phòng xịn. Anh không có cái vẻ ngoài gân guốc, nhưng bên trong thì đặc quánh như chú tôm hùm. Hồi làm chùm bài về cuộc chiến chống “than tặc”, Hoàng “nổ” đã phải leo những quả đồi dốc 70 độ, hai tay rướm máu vì cỏ gai cứa, nằm phục ngoài trời hàng đêm, tay thì đuổi muỗi, tay thì lấy dao đa năng đào một cái lỗ để đặt máy quay, bí mật ghi hình “than tặc” rút ruột mỏ than. Kết quả của những tháng ngày gian khổ có cả hóa thân, có cả rượt đuổi, đấu trí, ly kì, hồi hộp không khác gì phim hành động của Mỹ là môt loạt bài chấn động dư luận và một cái chân “áp xe” do côn trùng cắn, phải truyền cả tháng kháng sinh mới khỏi. Thế mà hầu hết làng báo đều coi “chui bờ, nằm bụi” là chuyện thường ngày của các nhà báo điều tra. Thậm chí, Hoàng nói, lâu ngày không nghe thấy tiếng ếch kêu, chó sủa lại cảm thấy… nhớ!
Cô H. có chồng làm báo, nhưng cô chỉ thích chồng đi đóng phim! - “Vì nghề làm báo nguy hiểm mà anh ấy thì nhập vai rất giỏi!”. Cô nói quá đúng! Hóa thân là một kỹ năng của mọi nhà báo điều tra. Buổi sáng chủ nhật, có chàng thanh niên rõ kiểu trai làng lò dò đến một nhà hàng ở xã Ngũ Lão, huyện An Lão, Hải Phòng. “Này, này! Đi đâu?” - Tiếng gọi cộc lốc, giật giọng từ gã đàn ông có vết sẹo dài chạy dọc theo mặt. Chàng trai nói giọng run rẩy: “Em thưa anh, em đi tìm con người yêu. Thấy bu nó bảo hôm nay nó đến đây lấy chồng ngoại!”. Gã xã hội đen nhìn vào đôi mắt hõm sâu với vẻ tuyệt vọng đen tối của kẻ thất tình rồi hất hàm: “Vào nhanh lên!”. Một người đàn bà mà thói cay nghiệt làm nhan sắc bị đanh lại chạy ra, te tái: “Sao cho người lạ vào đây?”. Gã kia tưng tửng: “Một thằng nhà quê ấy mà!”. Sau cái buổi đó, “thằng nhà quê”, tức nhà báo Đỗ Hiếu của báo An ninh Hải Phòng, viết 2 bài báo giúp cho cơ quan chức năng triệt phá một ổ môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Hải Phòng.
Khác với diễn viên có khi được hóa thân thành đại gia, chỉ ăn nhà hàng và ôm người đẹp, nhà báo toàn phải nhập vai nguy hiểm. Một thời, con đường Thiên Lôi (Hải Phòng) được mệnh danh là con đường “em lôi”, con đường “sung sướng”! Vào ngày đẹp trời nào đó, Kim Oanh được Tổng biên tập Bách Khải gọi lên: “Có dám đóng vai gái làng chơi không?”. Eo ôi! một cô gái con nhà lành, ngay cái động chạm vào tay cũng còn rùng mình, mà phải mặc các bộ áo không phải để che mà để bày ra, phải học nói những câu mà nói xong thì thấy vị tanh trong miệng! Thế nhưng đã là nhà báo điều tra thì phải “chơi” thôi!. Một hôm người ta thấy Oanh trong vai cô điếm tìm việc, lạnh lùng đứng trước ông bà chủ chứa tham lam, xảo quyệt và đám bảo kê có cái ánh nhìn độc ác đến trâu nước cũng bủn rủn! Cô xuýt bị lộ khi mụ má mì thò tay vào người để “kiểm tra hàng”. Oanh không dấu được cái nỗi e thẹn bản năng. May nhờ phản ứng nhanh nhạy, thông minh của một nhà báo điều tra cô đã thoát hiểm. Dẫu sao thì các bài báo của cô sau đó ngập tràn thông tin chân thực về cuộc sống của những “con bướm đêm”, nhìn từ góc người phụ nữ, cũng giúp bạn đọc hiểu rằng: Không phải ai cũng đen tối cả hình thức lẫn tâm hồn! Có nhiều con người nghèo khổ bị sức hút của trái đất kéo xuống, song vẫn cố gắng nhìn lên bầu trời, dù trên đó cũng chỉ có những vì sao đang mệt mỏi.
Không giống cô và Đỗ Hiếu, có kiểu nhà báo không biết hóa thân, không thích lê la trong quán chè chén vỉa hè, là nơi sản sinh những cuộc ngồi lê đôi mách thú vị và phong phú nhất thành phố, để nhặt thông tin, mà vẫn làm được điều tra. Tất nhiên đối tượng điều tra của họ không phải là các bà vợ vì quá chán cuộc sống chung, như cây đàn piano lại phải đặt trong nhà bếp, đã mua một tay đồ tể để lên kế hoạch giết chồng. Đề tài yêu thích của họ là những thứ “có vấn đề”. Họ thường bỏ qua lớp váng bọt nổi bên trên, mò xuống tận các tầng sâu của những hoạt động kinh tế. Họ thích lật ngược chính kiến như lộn trái chiếc găng tay. Họ không giỏi chuyện bám đuôi, rượt đuổi, trèo núi, vượt sông, mà chỉ giỏi lục lọi trên máy tính. Công cụ của họ là một bộ óc tư duy sắc bén. Lợi thế của họ là khối kiến thức vững chắc. Người ta thường thấy họ ngồi trong quán café, giở một tờ báo to tướng như một cánh buồm và bắt đầu bơi trong biển tài chính, chứng khoán. Họ không để ý các tin giật gân như tuyên bố của một kẻ rửng mỡ lắm tiền: “Có đến nhà tù cũng phải đi vé hạng nhất!” trên một trang mạng lá cải. Thế nhưng, đôi khi là một cái tin chỉ được nhắc đến trên nửa cột báo trang trong, không xa những dòng cáo phó là mấy, cũng gợi cho họ cả một khoảng trời suy nghĩ! Quốc Dũng là một nhà báo Hải Phòng như thế. Từ một cái tin đăng tải trên báo địa phương về vụ thanh toán lẫn nhau của 2 băng đảng giang hồ tại một mỏ đá, trí tưởng tượng và tư duy logic đã đưa anh đến kết luận về những khoản lỗ đáng ngờ của các nhà máy xi măng. Cũng từ thông tin về chất phóng xạ nằm trong dầu máy biến áp, Quốc Dũng phanh ra sự thật cả một nhà máy đã được nhập vào Việt Nam ở trong tình trạng phế liệu! Quốc Dũng là loại nhà báo điều tra” cổ cồn”!
Nhà báo điều tra sợ gì?
Vì không phải là cơ quan hành pháp, nhà báo điều tra có cái khó hơn CA điều tra. Họ không có quyền được triệu tập người, quyền được tiếp cận tài liệu. “Đồng minh” của họ chỉ là những người dân bị mất đất oan ức, gương mặt rạn nứt như cánh đồng bị hạn hán, là những giáo viên xanh xao không thể thản nhiên trước bệnh thành tích, là những cán bộ về hưu phẫn uất vì nạn tham nhũng… Đổi lại, họ luôn đụng phải sự đối đầu rất công khai của những người bị điều tra đầy tiền, lắm quyền, có người hàng tối còn nói ầm ầm trên đài truyền hình địa phương. Chuyện bị đe giết, lôi thương binh, CA giả ra dọa dẫm của Mạnh Thắng, phóng viên Nông thôn Ngày nay thường trú Hải Phòng, là việc rất nhiều nhà báo điều tra gặp phải. Tuy nhiên, hầu hết nhà báo lại không sợ cách hành xử thô bạo. Bị giật máy ảnh lại càng có chuyện để nói! Điều họ sợ nhất là gặp phải các đối tượng miệng ngậm kín như con sò lúc thủy triều rút, măt thì như đang đeo biển: “Cấm hỏi!”. Đột phá được sự im lặng có tính toán này khó hơn chọc thủng được đám sương mù!“Tiền là thứ giấy khi chườm lên tim thấy người khỏe ra!” - Chủ một doanh nghiệp Hải Phòng luôn tin như thế. Ông và những kẻ giống ông đã rất biết cách sử dụng đồng tiền “bắn” các nhà báo. Phạm Duẩn, phóng viên thường trú của báo Tiền Phong đã từng lên tiếng: “Tiền là cám dỗ ghê gớm với các nhà báo điều tra!”(đại đa số là không giàu!). Thực tế, có nhà báo bị gục ngã trước sự cám dỗ của tiền. Họ tụ tập thành nhóm nhỏ, hoặc đi đánh lẻ, nhân danh điều tra để kiếm tiền của những người có tiền. Trên các trang mạng xã hội, người ta gọi họ là đám kền kền đi tìm xác chết! Họ rất xông xáo, có mặt khắp nơi, lần tìm tội lỗi như con khỉ mẹ lần tìm chấy rận, vạch từng cái lông. Khi tìm thấy rồi thì họ ngã giá! Nhận diện ra những người này không khó. Có thể gặp họ trong số phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương đóng tại Hải Phòng. (Nhưng Cáp Thành Long, Quang Hưng, những phóng viên thường trú của Thanh Niên, Nhân Dân và nhiều người nữa thì không bao giờ nhận lời mời đi ăn trưa khi đang làm việc điều tra, rửa sạch một vết thương trên cơ thể xã hội). Đầu tiên là họ rất “nổ” (Xin lỗi Hoàng “nổ”, anh hoàn toàn khác!). Họ thường lớn tiếng ở chốn đông người và hay hứa hẹn ngông cuồng bằng giọng khẳng định, làm cho người nghe tưởng rằng chủ tịch thành phố sẽ lập tức phải quan tâm đến lời của họ (?). Họ luôn đe “giết” hoặc là “giã chết” những ai không vừa lòng họ, mặc dù họ chưa bao giờ làm được. Họ đeo máy ảnh và chụp lia lịa ở chỗ công cộng nhưng chẳng để làm gì cả. Kiến thức họ mỏng như lớp vecni ở trên mặt gỗ, nên họ không thể thâm nhập vào các vấn đề làm cả xã hội nhức nhối. Họ rất giỏi đưa những tin, bài như: Con chó của một đại gia vừa chết! Nhiều khi làm quá hơn thế là họ sẽ gặp sự cố! Mấy năm về trước, H. đi điều tra một vụ mãi lộ trên cầu VT. Cô cầm tiền đưa nhân viên canh cầu, rồi về viết đúng như vậy!. Bài thì được xếp khen tốt (!), song cô thì bị CA định khởi tố vì môi giới hối lộ! Phóng viên các báo địa phương chịu sự quản lý chặt chẽ của lãnh đạo báo nên “hiền lành” hơn rất nhiều. Thêm nữa, trong việc điều tra, báo địa phương thường quen biến “lớn thành nhỏ, nhỏ thành không”, cho nên người ta không “sợ”! Họ cũng không muốn thế đâu. Nhưng khi có quá nhiều người, thậm chí chỉ là quan chức cấp quận, can thiệp được vào công việc nhà báo, thì họ cũng đành “botay.com”
Có các nhà báo điều tra tránh được đồng tiền cám dỗ, thì lại gặp phải sự trói buộc của tình cảm! A. đi điều tra mới về đến nhà, vợ đã chạy ra hỏi dồn bằng cái giọng không cho cãi: “Hôm nay anh đến công ty BC phải không? Giám đốc nó là con chú D đấy!”. Chết rồi, đụng phải họ nhà vợ rồi! Kiểu này thì phải “kính vợ” mới “đắc thọ” được. Cuộc sống có muôn vàn mối quan hệ nhà báo không thể đứng ngoài. Mỗi lần người ta nhận học cho con, giúp sửa đường ống nước vỡ, cung cấp thông tin cho báo… là một lần phải ghi nợ… tình cảm. Thế nên, thỉnh thoảng, nhà báo điều tra cũng nhận được cú điện thoại nhắc nhở về mối ân tình xưa đó và rồi sau đấy là giọng nài nỉ xin cho một “thằng em họ” đang có vấn đề với báo. Bỏ cuộc trong những vụ này có vẻ dễ dàng hơn với nhà báo, bởi có lý do “A.Q” để mà xoa dịu lương tâm: Mình không bị cám dỗ bởi đồng tiền, mình không phải đầu hàng trước quyền lực. Đấy là vì chuyện tình cảm! Trong trường hợp này tốt nhất là lặng lẽ làm, khi bị “đòi nợ” thì việc đã rồi!
Đêm xuống, tôi chợt nhìn thấy Kim Oanh và cái bóng mọc lên từ gót chân dưới ánh đèn đường của cô. Tôi không dám gọi. Biết đâu cô đang thực hiện một vụ điều tra nào đó. Những người như cô, Hoàng Hoan, Đỗ Hiếu, Hoàng “nổ”, Mạnh Thắng, Ngọc Phúc, Thân Hoàng… thường vẫn đi vào bóng tối để chiếu ánh sáng tới những góc khuất cho xã hội minh bạch hơn. Tuần tới đám cưới của cô cháu gái. Bà chị tôi đã hiểu rằng: Hầm hố không phải là một đặc tính xấu của con người. Bây giờ thì bà hay khoe có con rể là nhà báo điều tra!
Link Facebook