28 thg 7, 2014

Đôi bờ sông Lấp


Đã có một lần, nhạc sĩ quá cố Lương Vĩnh đưa sông Lấp vào bài hát Thành phố hoa phượng đỏ. Sông Lấp vào nhạc nghe hiền lành lắm, không thấy có cái hào hùng của những con thuyền quậy sóng trên Bạch Đằng Giang mênh mông, hay cái sảng khoái, rộn ràng của sông Cấm “khi sương tan, đàn cò trắng bay sang ngang”. Cũng là đúng thôi, bởi sông Lấp là một con sông đào bị… lấp!

Từ năm 1874, nhà Nguyễn đã ký hiệp ước Giáp Tuất dâng đất Hải Phòng cho Pháp. Các thương gia Pháp kéo đến lập nghiệp trên nhượng địa Bến Ninh Hải. Thành phố bắt đầu từ đấy. Mười một năm sau, công sứ Bonnal cho đào con sông “vành đai” còn gọi là sông Bonnal, nối khu Cảng chính bây giờ với vùng cửa sông Tam Bạc, để tách biệt “khu người Âu” với “khu Bản xứ”. Hai bên sông là hai đại lộ Bonnal (phố Nguyễn Đức Cảnh và phố Trần Phú ngày nay), Chavassieux (phố Trần Hưng Đạo và phố Quang Trung).

Năm 1902, Toàn quyền Pháp Paul Doumer ra lệnh lấp sông Bonnal, mở rộng thành phố. Carron, chủ xưởng sửa chữa tàu thủy trên sông Bonnal, một ông nghị Pháp rất có thế lực hồi đó, phản ứng quyết liệt, nên sông Bonnal chỉ bị lấp từ phía Cảng đến khu vực nhà Triển Lãm thành phố bây giờ. Khúc sông Bonnal còn lại bị đổi tên thành sông Lấp.

Gần một thế kỷ, mấy thế hệ người Hải Phòng đã sống với những kỷ niệm về dòng sông Lấp: Bến tàu Carron, cầu Laniel, nhà thương “Quả bóng”, vườn hoa “đưa người”… Không ai có thể tưởng tượng được một Hải Phòng không có sông Lấp. Bởi thế, nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985), thành phố quyết định chi 100 triệu để cải tạo lớn sông Lấp. Trên nền sông đã bị lấp thời Pháp là cả một dải vườn hoa dài hàng ngàn mét. Chỗ đầu chợ Sắt, người Hải Phòng đắp đập ngăn nước sông Tam Bạc chẩy vào sông Lấp. Sông Lấp lều bều phủ rác biến thành hồ nước Tam Bạc sạch đẹp, rộng 40.000m2. Đến đầu thập niên của thế kỷ này (2012), thêm một lần nữa, người Hải Phòng lại bỏ ra hàng chục tỷ đồng để tổng đại tu sông Lấp. Với cả chiều dày lịch sử và vị thế ở trung tâm thành phố, sông Lấp phần nào mang bộ mặt và tâm hồn Hải Phòng.

“Quang Trung” - Phố hàn thử biểu kinh tế Hải Phòng

Tôi gặp nhà thơ Thanh Tùng, tác giả của “Thời hoa đỏ” bất hủ, ở đầu sông Lấp. Biết tôi đi tìm “một thứ hay hay” để viết, nhà thơ gợi ý: “Ông cứ đi bộ một vòng sông Lấp!”. Thanh Tùng có lý của mình. Một đêm tháng 10 rét mướt nào đó, nhà thơ đã đi vô định dọc bờ sông Lấp, tình cờ gặp vị cảnh sát đang phạt vi cảnh một người đàn bà bán thuốc lá rong. Đôi mắt đen ướt của cô cuốn hút nhà thơ bằng vẻ chực khóc. Thanh Tùng xưng tên can thiệp. Anh cảnh sát, đã có thời là sinh viên, nên biết tiếng nhà thơ “Thời hoa đỏ”, nể tình bỏ đi, mặc cho hai người ở lại để thành… nhân duyên sau đó! Tôi không hi vọng gặp một chuyện tình lãng mạn như của nhà thơ. Nhưng tôi tin lời Thanh Tùng: “Nhà thơ bảo như thần bảo!”. Một vòng sông Lấp! Nói cách khác là một vòng quanh hồ Tam Bạc.

Bắt đầu từ phố Quang Trung. Quang Trung phố cũ, nhiều nhà xây theo kiểu cổ, lộn xộn, nhấp nhô với những cửa sổ bé tí, ám khói, hàng hóa tràn lan. Sự ê hề này, giá thập kỷ trước một người nông dân Thủy Nguyên ra chơi Hải Phòng có thể có vài tuần chuyện kể cho họ hàng, làng xóm. Song nó lại quá bình thường vào năm 2014. Thành phố đang buồn tẻ đi trong cơn suy thoái kinh tế kéo dài. Quang Trung giữ nguyên dáng vẻ một phố chợ tỉnh. Các hộ buôn bán ở đây phần lớn là dân thường thường bậc trung. Hàng hóa chủ yếu là đồ tầm tầm Trung Quốc, Hàn Quốc: ấm chén, phích nước, chiếu nhựa, chậu nhôm, đệm mút, bếp điện, bàn ghế rẻ tiền,…

Anh X. thuộc lớp nhà giàu không có nền nếp, ăn uống ồn ào ở đất Hải Phòng, đang đứng trước ngôi nhà cao 3 tầng, rộng gần 5m mặt tiền của mình. Anh đã đăng báo bán nhà. “Nhà anh giữa phố Quang Trung chắc được giá lắm?” - tôi hỏi. Anh đáp bằng cái giọng của 2 bao thuốc lá mỗi ngày: “Nhà phố này thì chỉ được mỗi giá trị thương mại thôi! Mà buôn bán buồn thế này! Nhà tôi gọi 3 tháng nay chưa bán được! Sáng qua mới có một cậu Hải quan, trông mặt thấy cả quyền lực lẫn sự bất tài đến ngó. Mụ vợ tôi đem hết cả bộ sưu tập nụ cười ra chào mời mà nó chưa duyệt (cái nhà). Vẫn phải chờ nó! Thời nay chỉ có quan chức, thuế vụ, hải quan là lắm tiền thôi!”. Chờ đợi! Những người Hải Phòng chúng tôi đã quen chờ đợi. Ngày xưa, chờ người thân từ chiến tranh trở về. Bây giờ thì chờ sự phục hưng của thành phố!

Hải Phòng đang mất dần cái tiếng tăm một thành phố buôn bán lớn. Người mấy tỉnh vùng duyên hải không còn náo nức về phố Quang Trung cất hàng bán sỉ. Không còn mấy những thanh niên Hà Nội hăm hở chạy xuống Hải Phòng tìm mua bộ dàn máy nghe nhạc Nhật như hồi 20 năm trước. Không còn thấy các cô gái Sài Gòn, mặc bộ đồ bằng lụa mỏng, tay bấm máy tính điện tử tanh tách, thanh toán tiền hàng trên phố với mấy bà chủ Hải Phòng lẩm bẩm tính nhẩm cũng nhanh như máy. Quang Trung phố vắng đi nhiều.

Cuối đường Quang Trung: chợ Sắt đã bị phá dỡ, ngổn ngang gò đống. Ngày xưa chợ Sắt là một chợ phiên trong địa phận làng An Biên Hải Phòng. Năm 1888, chợ được xây lại theo kiểu kiến trúc hiện đại bằng sắt. Sang thời bao cấp, chợ Sắt kinh doanh đủ thứ có ở trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì “mậu dịch” không có, ra chợ Sắt có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thủy thủ viễn dương, hàng “móc” từ kho nhà nước, hàng “đánh” từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy… trên đường hành trình - Tất cả đổ về chợ Sắt. Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc. Ai đến Hải Phòng cũng muốn (hoặc được mời) đi chợ Sắt, để trầm trồ, để ngắm nghía, để tiếc rẻ vì… thiếu tiền! Có kẻ ngoa ngôn còn nói: Ra chợ Sắt mua được cả… đường sắt! Nhờ có chợ Sắt, có khối công trình thoát cảnh ngừng trệ vì sự quan liêu, thiếu thốn của cơ chế thời bao cấp cứng nhắc (tuy nhiên cũng vì chợ Sắt ối kẻ đã vào nhà đá bóc lịch). Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng. Có một chỗ ngồi kinh doanh trong chợ Sắt là có “giấy chứng nhận” về sự giàu có. Trẻ con Hải Phòng hát rằng: “Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi “doa” (xe đạp Peugeot), anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi Cup, anh già đi Cup không bằng anh cụt VOSCO, anh cụt VOSCO không bằng “bà bô” chợ Sắt!”. Sợ chưa! VOSCO - Công ty Vận tải biển Việt Nam - đi khắp năm châu bốn biển cũng không bằng “bà bô” ngồi chợ Sắt! Chợ Sắt nổi tiếng chẳng kém cạnh chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, là niềm tự hào của người Hải Phòng như bến Cảng, như bãi biển Đồ Sơn.

Hải Phòng vào thời mở cửa. Chợ Sắt được chọn trở thành công trình liên doanh đầu tiên của thành phố với nước ngoài. Với 7 triệu USD đầu tư, “Người Hải Phòng sẽ được thấy một cái chợ hoàn toàn không giống với quan niệm về chợ xưa nay của họ” - Chủ đầu tư nói.

Tiếc thay, chủ đầu tư phải bỏ cuộc sau khi đi được nửa đường. Chợ là chiếc hàn thử biểu độc đáo để đo sức khỏe của nền kinh tế địa phương. Chợ Sắt có duy trì được vị thế Trung tâm bán buôn hàng vùng Duyên Hải từ ngày xa xưa hay không còn tùy thuộc vào Hải Phòng có duy trì được sức mạnh của mình trong quá khứ với toàn bộ nền kinh tế đất nước không? Người Quảng Ninh, người Hải Dương, người Thái Bình, “đầu sông cho chí ngọn nguồn” có còn muốn đến chợ Sắt cất hàng bán buôn hay không? Câu trả lời là: “Không!”. Chợ Sắt đã hóa thành một cái hộp bê tông hào nhoáng, đắt tiền, thế nhưng vô dụng. Người ta không vào chợ Sắt! Nói bằng ngôn ngữ kinh tế, chợ Sắt bị “chết tinh thần”.

Có vẻ các nhà lãnh đạo Hải Phòng không trông đợi ở nội lực của mình. Nơi họ gửi gắm hy vọng là những phép màu Nhật Bản, Hàn Quốc,… Họ rải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng tỷ USD được Hải Phòng hút về. Tuy nhiên, chưa có dự án FDI nào tạo thành cú hích làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế Hải Phòng. Tất nhiên, cũng có dự án thất bại. Cùng số phận hẩm hiu với chợ Sắt là Khu Chế xuất Hải Phòng với cái cuốc gãy trong ngày động thổ đi vào giai thoại. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ gần 200 triệu USD vốn đầu tư, mà càng làm thì càng lỗ!

“Nguyễn Đức Cảnh” - Phố có trường học, bệnh viện và nhà tù

Phố Nguyễn Đức Cảnh có 2 tòa nhà nổi tiếng Hải Phòng đứng cạnh bên nhau: Bệnh viện Việt Tiệp và… nhà tù thành phố! So với “Quang Trung” người láng giềng giàu của nó bên kia sông Lấp, Nguyễn Đức Cảnh là phố nghèo. Cũng có vài công trình xây dựng mới, như trụ sở của Tập đoàn Tài chính Hoàng Huy, Ngân hàng Công Thương Lê Chân, tư gia của một lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên một người Hải Phòng xa quê trước năm 75 trở lại chốn này chắc không có nhiều bỡ ngỡ.

Tôi đứng nói chuyện với anh câu cá trên đập Tam Kỳ nối đầu chợ Sắt với cuối phố Nguyễn Đức Cảnh. Từ đây có thể nhìn khắp mặt hồ Tam Bạc. Nước hồ ngan ngát màu rêu. Hai bờ hồ được lát đá hoa cương và trồng phượng vĩ còn non. Cảnh tượng đáng ngắm lắm thay! Bỗng tôi thấy vợ mình quay mặt đi vì có 2 gã đàn ông say đến ướt nhèm trí nhớ, thản nhiên đứng tè ngay xuống mặt hồ.

Rời anh câu cá, chúng tôi đụng phải một gã trung niên vai phủ đầy gầu, lẵng nhẵng mời chúng tôi… đi Hà Nội! Bến xe Tam Bạc là đây. Gã cò xe không có sự kiên trì của một kẻ làm dịch vụ, mà lại có cái lỳ lợm của kẻ giang hồ. “Giang hồ Hải Phòng” cái tên đã thành thương hiệu (!) đang lũng đoạn các bến xe Hải Phòng. Tuy nhiên, so với những bậc tiền bối: Dung Hà, Lâm già, Cu Nên… chúng chỉ là một đám giang hồ vặt. Chúng vẫn bảo kê, đi đòi nợ thuê, đâm chém, thanh toán lẫn nhau. Thế nhưng, giang hồ Hải Phòng không tung hoành được trên đất Hải Phòng! Có lẽ bởi vì cảnh sát hình sự Hải Phòng quá giỏi!

Từ năm 1929 ngay chỗ cầu sắt Carron bắc qua sông Lấp, người Pháp lập nên TAPIS Hàng Kênh. Ngày nay cầu Carron đã rỉ nát và bị tháo dỡ. Còn đó TAPIS Hàng Kênh một thời hãnh diện tự khẳng định mình bằng tòa nhà cao 5 tầng lát đá trắng sáng, bề thế nhất phố. Hồi ấy TAPIS Hàng Kênh sống nhờ Liên Xô. Liên Xô sụp đổ làm TAPIS sụp đổ theo. Nước Nga “Putin” không còn mua những tấm thảm len dệt bằng tay của những người thợ Hàng Kênh Hải Phòng. Họ giờ đã bỏ về quê. Hiện tại trên đất TAPIS mọc lên tòa nhà 21 tầng cao nhất Hải Phòng - Bệnh viện quốc tế, do các quan chức Y tế góp vốn đầu tư. Bệnh viện chưa được khai trương, nhưng các cổ đông thì rất lạc quan! Họ đã nhìn thấy người Hải Phòng ôm cục tiền đi Hà Nội, vào Sài Gòn, sang Singapore chữa bệnh. Tại sao lại không giữ chân các thượng đế tại Hải Phòng?

Song có những người trong nghề không hề lạc quan như vậy. Họ biết làm cái vỏ nhà quốc tế không phải chuyện khó. Thế nhưng linh hồn của nó, con người quốc tế, hoàn toàn không phải chuyện dễ. Liệu những giáo sư, bác sĩ tầm cỡ quốc tế có chịu đến với Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng? Trong khi nhiều bác sĩ giỏi Hải Phòng lại đang lần lượt khăn gói rời khỏi Hải Phòng! Một mình ngành Y không thể chữa được căn bệnh chảy máu chất xám đang từ từ làm suy kiệt sức khỏe xã hội Hải Phòng. Các thày giáo giỏi ra đi, các kỹ sư giỏi ra đi và nhiều nhà… thơ ra đi.

Cũng vang bóng một thời là nhà hàng Trọng Khách phố Nguyễn Đức Cảnh. Dạo ấy, DC - một doanh nhân có máu mặt nói rằng: Chỉ có thể mời khách VIP đi ăn, nếu đặt chỗ ở nhà hàng Trọng Khách! Ngày nay, Trọng Khách đã tự đánh mất thương hiệu của mình bởi không thấu hiểu câu nói nổi tiếng của Seneca “Muốn đứng tại chỗ phải chạy thật nhanh!”. Họ vẫn lịch sự, tử tế, thế nhưng hàng loạt nhà hàng đã vượt qua họ. Cũng chẳng thể nào trách họ, những “phó thường dân” chỉ biết “đặt ấm nước nóng lên sách”, ngay chính các nhà lãnh đạo Hải Phòng cũng không hiểu câu của hiền nhân đó! Hải Phòng bây giờ không phải thành phố thứ 3 của đất nước này, chỗ nó đã đứng gần 1 thế kỷ! Bởi Hải Phòng đã không chạy (phát triển) nhanh hơn các tỉnh, thành khác. Càng ngày Hải Phòng càng ít xuất hiện trên trang nhất các báo ngày, hay trong bản tin thời sự của Đài THVN.

Phố Nguyễn Đức Cảnh có 3 trường học. Nằm sâu kín đáo trong một ngõ nhỏ là trường THCS Trần Phú. Tôi tình cờ gặp cô bạn vong niên ở ngay đầu ngõ Hàng Gà, giật mình thấy 2 mắt cô hõm sâu, mới biết chồng cô vừa mất vì ung thư gan. Hỏi thăm đến con, cô nói: thằng cháu đang học ở trường THCS Trần Phú. Nụ cười mãn nguyện làm hé mở đôi môi cô. Đối với nhiều người Hải Phòng có con học trường Trần Phú yên tâm như tiền gửi vào ngân hàng Thụy Sỹ! Trường có nhiều thầy cô giỏi như Cao Chính Khái, Lê Thúy Hạnh, Nguyễn Minh Hằng, Ninh Ngọc, Thu Hương,… Học sinh giỏi thì không biết bao nhiêu mà kể! Tôi hỏi cô hiệu trưởng Lê Thúy Hạnh, câu hỏi sáo mòn quen thuộc của các nhà báo lười đi tìm chữ: “Bí quyết gì khiến nhà trường thành công?”. Cô đáp: “Muốn đứng tại chỗ phải chạy thật nhanh!”. Tôi không nghĩ cô nhại lại những điều tôi nói, bởi triết lý của hiền nhân, không phải của tôi. Tôi chỉ ngạc nhiên trước sự thông minh của cô. Và bao năm nay tôi đã ngạc nhiên: Lãnh đạo Hải Phòng có nhiều người đầy trí tuệ, bản lĩnh ghê gớm mà sao Hải Phòng lại không đột phá lên được? Thành phố của tôi còn thiếu điều gì: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa?

Điểm cuối cùng trong “một vòng sông Lấp” của tôi là Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật Thành phố, đối diện với đập Tam Kỳ đầu bên kia hồ. Những cánh cổng chính của nó suốt ngày đóng kín, im lặng như biểu tượng của văn hóa Hải Phòng! Chẳng lẽ Hải Phòng không có mỹ thuật, cũng chẳng có cái gì để triển lãm?

Vĩ Thanh

Chúng tôi gặp lại Thanh Tùng trước cửa quán bia “của anh”. Nhà thơ hứng lên đọc cho tôi nghe bài “Thời hoa đỏ” - “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao...”. Thơ Thanh Tùng hay là ở tình cảm nồng nàn độc đáo của anh, chứ không phải những tìm tòi, thể nghiệm chữ nghĩa âm u, mà ở phương Tây người ta đã đi trước nửa thế kỷ, của môt vài nhà thơ lớn hiện nay. Anh nói: “Tôi yêu sông Lấp! Bài Thời hoa đỏ tôi viết bên bờ sông Lấp!”.

Thế hệ chúng tôi còn gọi sông Lấp. Thế hệ mới nói là “Hồ Tam Bạc”. Thế gian hoán cải sông biến thành hồ là chuyện thường tình. Hải Phòng đang trong những ngày khó khăn. Thế nhưng phong độ nhất thời, còn đẳng cấp là mãi mãi! Người Hải Phòng sẽ đổi thay bộ mặt Hải Phòng, ngày mai khác với hôm nay. Dĩ nhiên là đàng hoàng hơn to đẹp hơn.

Link Facebook