28 thg 7, 2014

Ai là vua Piano - Cuộc đấu thế kỷ của hai người khổng lồ trên những phím đàn


Những năm 30 của thế kỷ trước, “Nước Pháp như 1 vườn hoa rực rỡ. Những bông hoa lộng lẫy nhất trong đó kết thành bó hoa gọi là Paris” - Nhà thơ Heine viết thế.

Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ,… những ngôi sao lấp lánh của nghệ thuật châu Âu quy tụ trên bầu trời thủ đô Ánh sáng. Tất nhiên không thể thiếu các Pianist! Trong mỗi salon của giới thượng lưu nước Pháp, piano đã thay chỗ của cây đàn Clavecin già nua. Một tờ báo Pháp thời đó đã viết: “Người ta nói rằng các nhà tài chính là vua thời đại. Nhưng nếu có 10 ngón tay nhạy cảm, mái tóc quăn dày, vầng trán nhà thơ, khuôn mặt cảm hứng và 1 cái đầu nghệ sĩ thì hãy làm người chơi piano và anh sẽ lấp lánh sáng giữa những ngôi sao thế kỷ! Đàn bà sẽ ném khăn tay vào anh, đàn ông mở tiệc đãi anh, nhạc sĩ viết serenade tặng anh. Anh sẽ khóa họng tất cả những giọng ca Ý. Thế mới biết con người ta mới đỏng đảnh làm sao! Ai cũng bảo piano là thứ nhạc cụ ma túy, không có tâm hồn và sự duyên dáng, nhưng khi Liszt và Thalberg xuất hiện, chính họ lại lao như điên vào phòng hòa nhạc, dẫm đạp lên nhau, tranh nhau 1 chỗ ngồi tốt. Đúng là một cuộc nổi loạn!”

Liszt - một nhà soạn nhạc vĩ đại, danh cầm vô tiền khoáng hậu - thì rõ rồi, còn Thalberg là ai vậy? Đó là 1 virtuose (Nghệ sĩ điêu luyện) bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật biểu diễn piano, thần tượng thiêng liêng của các salon âm nhạc phương tây nửa đầu TK 19. Thalberg sinh năm 1812 ở Geneva, Thụy Sĩ, nổi tiếng như 1 thần đồng âm nhạc từ năm 6 tuổi. 14 tuổi ông đã biểu diễn ở phòng khách của Thủ tướng Áo - Hoàng thân Metternich. Là dòng dõi quý tộc nòi, ông có vẻ mặt mẫn cảm, áo quần hợp mốt, phong cách tinh tế. Thalberg ngồi bên cây đàn duyên dáng, thanh thoát, toàn thân toát lên vẻ đẹp kiêu sa. Ông rất lấy làm đau khổ vì người đời thường so ông với Liszt, trước hết vì Liszt, theo lời ông nói, cần phải ngồi chơi đàn sau tấm màn bởi khuôn mặt “nhìn” không nổi! Heine nói rằng: “Liszt thì dữ dội như núi lửa phun, sấm ran chớp giật, công phá bầu trời, còn Thalberg thì cao quý, điềm tĩnh, ngọt ngào”.

“Thày phù thủy” Thalberg

Sau khi chinh phục một nửa châu Âu, Thalberg đến Paris vào cuối năm 1835. Ở đây đã tập trung cả một đội quân đông đảo những virtuose lừng lẫy vừa trai vừa gái, có cả Chopin, cả Liszt. Trong buổi biểu diễn ra mắt, khắp phòng hòa nhạc nổi lên những tiếng xì xào: “Thật là kỳ lạ! Thật không thể tưởng tượng được!”. Ngay cả những người lạnh nhạt nhất với âm nhạc cũng phải phát rồ vì ông. Người ta không biết Thalberg làm phép thần trên phím đàn thế nào. Có lẽ chính Thalberg cũng không biết. Vì rằng ông đã vượt qua những khó khăn kỹ thuật nhất với niềm khoái cảm và bằng sức mạnh siêu tự nhiên ẩn náu trong tâm hồn. Ông làm cho dàn nhạc trở nên thừa, vì piano bắt đầu vang lên như một dàn nhạc. Hôm sau, các nhà báo đã vội vàng loan tin ầm ĩ đến các độc giả của họ về “điều kỳ diệu như trong thần thoại” ở phòng hòa nhạc: Thalberg là “Paganini của piano”.



Trước Thalberg, người ta cho rằng nghệ thuật chơi piano điêu luyện là những ngón tay chạy nhanh như gió. Không chỉ có thế, những ngón tay của Thalberg rung lên mạnh mẽ, gợi cảm, đồng thời viền quanh giai điệu bằng những nét lướt. Tay trái biểu diễn giai điệu thứ hai cũng vậy, tạo ra ấn tượng nhiều người chơi piano cùng lúc. Báo chí viết rằng một tay Thalberg có thể ôm 4 quãng 8 và ông có thể “nhân” những ngón tay của mình tùy thích. Đọc môt bài báo như vậy, Jean Pierre Dantan, nhà điêu khắc Pháp nổi tiếng đã tạc bức tượng Thalberg mỗi bàn tay 15 ngón! Hezr - nhà sư phạm, pianist nói: “Đấy là nhà phù thủy có 4 tay. Nếu Thalberg sinh ra vào thế kỷ 16, chắc chắn ông ta phải lên dàn lửa!”

Như mọi virtuose, Thalberg đi biểu diễn khắp Âu, Mỹ. Tại Boston khá nhiều người Mỹ tò mò đã trèo lên tận sân khấu để xem Thalberg có giấu cái gì đó dưới chân không? Ở Peterburg, ông phải chơi 3 lần liền bản Fantaisie Moise mà vẫn không hết tiếng hò la Bis Bis. Khúc phóng túng này cũng làm London chấn động và khi Thalberg đánh xong hợp âm cuối cùng, 2 phút sau đó, công chúng mới bừng tỉnh dậy, vỗ tay thán phục, tung hô tên ông nửa tiếng đồng hồ! Dân Bruxelles rắc đầy hoa lên người ông. Công nương Bỉ làm thơ tình tặng ông. Triều đình Áo mở đại tiệc chiêu đãi ông. Vua Hà Lan thưởng cho ông huân chương và 1 hộp đựng kim cương trong tiếng công chúng reo hò: “Hoàng thượng muôn năm! Thalberg muôn năm!”. Ông được Louis Philippe, hoàng đế Pháp, gắn Bắc đẩu bội tinh. Thế nhưng “Vua piano” cũng không kinh tởm lời mời chơi nhạc cho 1 ngài huân tước Anh trong khách sạn để lấy 25.000 franc tiền công. Đang khi Thalberg làm những bước nhảy khủng khiếp trên các phím đàn, thì Meloman (Người yêu âm nhạc cuồng nhiệt) ngủ gật! Dũng cảm hơn nữa, được thói đam mê tiền bạc của những người Mỹ cổ vũ, Thalberg - “Vị thánh của những salon quý tộc” - đã chơi trong 1 quán rượu! Chuyến công diễn ở Mỹ đã thành công rực rỡ, cả về tài chính. Sau khi đi qua 80 thành phố, Thalberg bỏ túi khoảng 3 triệu USD (Tính theo thời giá hiện nay)

Liszt - “Người gieo giông bão trên những sợi dây đàn”

Đầu năm 1847, Liszt từ Geneva trở về Paris. Cuộc đua tài giữa Thalberg và Liszt bùng nổ, chia rẽ Paris âm nhạc thành 2 mặt trận. Thalberg, ngôi sao âm nhạc thời thượng, thắng điểm hiệp đầu. Công chúng tặng ông vương miện “vua piano”. Nhiều vị thông thái âm nhạc đã dành tình cảm trọn vẹn cho ông. Ngay Rossini và Berlioz, các nhà soạn nhạc vĩ đại cũng phải ngả mũ kính phục Thalberg. Nhà âm nhạc học nổi tiếng Fetis tuyên bố: “Liszt chỉ là lời cuối cùng của trường phái cũ, chính Thalberg mới là người sáng tạo cái mới!”



Tuy nhiên không phải ai cũng dũng cảm như vậy. Chopin nói rằng: “Thalberg chơi quá hoàn hảo, nhưng ông ta không phải “gu” của tôi!”. Ngay trong phòng khách của bà hoàng thân Belgiojoso, nơi cả Thalberg và Liszt cùng “gieo giông tố trên sợi giây đàn”, người ta khẳng định: Thalberg là pianist giỏi nhất, nhưng Liszt là người duy nhất! Đồng minh của Liszt đã xuất bản tập “Fantaisie lớn cho piano. Tặng ngài Thalberg siêu pianist của hoàng đế Marốc. Dành cho những người muốn phát triển trí tuệ tốt. Giá 2 franc!”. Bìa vẽ 1 người đứng sau cây đàn trên mổi bàn tay xòe ra 10 ngón!

Còn Liszt thì sao? Ông đã từng ví Thalberg với Napoléon trong âm nhạc, “Thalberg là người nghệ sĩ duy nhất có thể chơi violin trên cây đàn piano”. Tuy nhiên, bản Fantaisie Moise (Theo opera của Rossini) là “kiệt tác” của Thalberg (Lần đầu biểu diễn ở Pháp, ông đã đút túi 6.000franc, nhiều tiền hơn cả toàn bộ vở opera) bị Liszt chê là “hào nhoáng, hời hợt”, chỉ có những thủ pháp và hình thức mà thiếu hẳn sự phát triển âm nhạc. Trong vòng 2 giờ, Liszt dùng giai điệu 1 ca khúc mốt hồi ấy “Ah, vous dirai-je, maman” viết 1 bản nhạc đồ sộ tương tự! Nghe khúc nhại quái chiêu này người sành âm nhạc chỉ còn cách ôm bụng cười.

Thế nhưng, hành động của Liszt không phải là sự ghen ghét tài năng như Thalberg từng buộc tội, chính vì ông đã sẵn sàng kính trọng Thalberg, nhưng như 1 người thượng lưu mẫu mực hơn với tư cách 1 người nghệ sĩ. Thái độ của Liszt là sự chối bỏ một nguyên tắc sáng tạo kiểu salon mỹ miều “tinh khiết như kim cương” của Thalberg. Ông chỉ thấy trong âm nhạc Thalberg “sự mê hoặc trác việt nhất, cái tầm thường nhất trong mọi cái đươc xem là cao hơn bình thường”. Kỹ thuật “mạ vàng” của “vua piano”Áo là thứ vô sinh, dù có hoàn hảo đến đâu cũng không chứa đựng một chút mầm sống tương lai. Chân lý đã thuộc về Liszt.

Những cơn cảm hứng nghệ thuật bão táp Thalberg gây ra trên khắp sân khấu châu Âu hơn 10 năm sau tạnh hẳn. Paris đã ruồng rẫy ông. Khi năm 1852 Thalberg biểu diễn ở Nhà hát Ý, báo chí đã từng phong vương cho ông, gọi ông là “Đấng Sáng tạo thời đại mới” nay chỉ trích ông không muốn hiểu các giới hạn tài năng của mình. Thalberg chỉ còn tìm thấy những tình cảm cuồng nhiệt cũ ở Tân thế giới - Mỹ, Braxin, Canada… các nơi còn bị quyến rũ bởi những ngón đàn ma thuật của ông. Bây giờ thì người ta thấy xấu hổ vì đã từng so sánh ông với Liszt.

Thalberg mất ngôi “vua piano” cho Liszt bởi ông đã đẻ ra những thủ pháp trình diễn và hình thức mới nhưng không có nội dung mới, giàu tính nghệ thuật sâu sắc để “nuôi lớn” chúng. Ông chỉ là “người quan sát say mê” sáng tạo của mình. Sự khai thác đến chán chê một “thực đơn” không thay đổi làm người ta ngấy và rất nhanh chóng “nhà cách tân trong nghệ thuật” đã hóa cũ. Giờ đây ngay các nghệ sĩ hạng hai không cần phải ngồi 10 giờ mỗi ngày đánh đi đánh lại cùng môt câu nhạc cũng có thể coi những bước chạy khủng khiếp nhất của Thalberg như trò đùa! Ngàn lần dễ hơn Liszt biểu diễn các sonata “đơn giản” của Beethoven mà mỗi lần đánh là một lần sáng tạo lại. Thắng lợi của Liszt là khúc khải hoàn của tinh thần Sáng tạo trước Kỹ thuật máy móc, của nghệ thuật chân chính trước thứ âm nhạc kiểu cách, lãnh cảm, vô hồn!

Thalberg mất năm 1871 trong sự quên lãng khi đang làm người trồng nho ở Posilipo, Italia.

Link Facebook