28 thg 7, 2014

Voọc ơi, mày ở đâu


Ra đảo Cát Bà đầu tuần, du khách sẽ thấy mình là “thượng đế”. Vừa xuất hiện ở đầu con đường vào bến Bính, tôi đã được cả một dàn đồng ca ngọt ngào mời gọi: “Anh ơi! Tàu của mình đây cơ mà!”- Có đến 3 con tàu trắng lấp lánh dưới nắng mặt trời. Tôi sẽ như con lừa Bouridane giữa bó cỏ tươi và thùng nước ngọt phân vân không biết đi về đâu trước, nếu cô nhân viên của hãng tàu thuỷ cao tốc VISDEMCO không nở nụ cười để lộ hàm răng tuyệt vời, làm nản lòng các bác sĩ nha khoa. Sau 50 phút ngồi thư thái trong bụng con tàu sang như một khoang máy bay, tôi đặt chân lên Cát Bà - hòn đảo lớn nhất (200km2) trong số 1969 hòn đảo trên vịnh Hạ Long, cách Hải Phòng chừng 30 hải lý.

Mới 5 năm trước, một người đàn bà trên đảo Cát Bà đã nói với tôi: “Giá nhà tôi là con thuyền, thì tôi đã chèo nó đi khỏi cái đảo này!”. Nếu thực như vậy, bây giờ chắc người đàn bà ấy đã chèo “con thuyền - nhà” của mình quay về đảo rồi. Cát Bà đẹp lên từng ngày không ngờ, với những tòa nhà cao 6-7 tầng, hàng ngàn tàu thuyền đánh cá đỗ đầy mặt vịnh... Thật tiếc hôm nay, tôi đến Cát Bà không phải để nằm phơi nắng trên bãi Cát Cò, hay đi trên con thuyền câu ăn tu hài và uống rượu tiết tôm hùm như trong các tờ quảng cáo du lịch trên tay của những ông Tây ba lô. Tôi đến Cát Bà vì các con voọc đầu trắng đang kêu cứu trên những đỉnh đảo đá cheo leo.

Bà tiến sĩ và bức thư kêu cứu

10 giờ đêm ngày 13-5, trong một căn phòng nhỏ giữa rừng sâu Cát Bà vẫn còn sáng đèn, có một người đàn bà Đức, tiến sĩ Rosi Stenke, đang cặm cụi viết bức thư cho Diễn đàn của các nhà báo môi trường Việt Nam: “Tôi thấy tự mình buộc phải gửi các anh chị những thông tin tệ hại hơn. Người giúp việc tôi vừa trở về từ một chuyến khảo sát voọc đầu trắng ở mạn đông xã Gia Luận. Những vùng đất tại đó, vốn nằm trong khuôn viên của Vườn Quốc gia, đã được dùng vào canh tác. Chẳng còn cơ hội nào cho đàn voọc, theo báo cáo của Tilo có 8 con, có thể sống sót ở đấy. Nguồn tin độc lập cho biết: Hồi cuối tháng tư, có 2 con voọc đã bị bắt (ở vùng khác) và được đưa đến quán thịt thú rừng thị trấn Cát Bà. Người ta còn mô tả tuyến vận chuyển thú săn bắt được, những mô tả đều giống nhau, khiến tôi tin rằng việc săn bắn trên có thật. Dân địa phương nói không quá 30 con voọc còn sống trong Vườn Quốc gia và 10 đến 14 con- ngoài Vườn Quốc gia. Chúng tôi kiểm tra 50% diện tích khu vực voọc có thể sinh sống được và thấy con số kia khá chính xác!

Tiến sĩ Rosi Stenke

Chúng ta đang mất đi những con voọc quí hiếm ở Cát Bà. Hồi chuông báo tử cho chúng đang được gióng lên rền rĩ!”.

Theo đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam hồi giữa những năm 90, trên đảo Cát Bà, nơi duy nhất trên trái đất, có khoảng 200 con voọc đầu trắng, một loài động vật họ khỉ cực hiếm, sống trong các khu rừng mọc trên vách núi đá sát biển, thích ăn những loại lá, quả độc với con người như lá ngón, quả mã tiền. Thật tiếc, chúng bị đưa vào Sách đỏ, như một loài thú có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngày 30-11-2000, Dự án bảo tồn loài voọc Cát Bà ra đời tại Vườn Quốc gia Cát Bà dưới sự bảo trợ của Hội động vật thành phố Munich về bảo tồn loài và số lượng loài. Bà Rosi Stenke, tiến sĩ về loài linh trưởng châu Phi, tiến sĩ về loài đười ươi (khỉ dã nhân), người rất thành công trong việc bảo tồn loài thú Wombat - một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Úc - được đề cử làm giám đốc dự án.

Nhiều ngày, từ khi mặt trời chưa lên khỏi biển, người đàn bà ấy trong bộ quần áo dã ngoại và 2 nhân viên của mình đã đi vào rừng. Họ leo lên các đỉnh núi đá vôi sắc lẻm, hoặc lội trong bùn ngập đến đầu gối khi phải vượt qua những “áng” (tiếng địa phương chỉ các hồ nước mặn) lúc thủy triều xuống; Ngồi nấp hàng giờ trong các bụi cây vắt vẻo trên những mỏm đá cheo leo hoặc ngủ đêm giữa rừng mưa nhung nhúc côn trùng, rắn rết... để biết chính xác nơi ở của từng đàn voọc, tập tính, thức ăn của chúng.

Đêm đêm, trong ngôi nhà nhỏ, bà lại một mình với máy vi tính để viết báo cáo, ghi chép, e-mail tới các tổ chức bảo tồn và bạn đồng nghiệp trên khắp thế giới. Bà đi lại như con thoi giữa Hải Phòng và Hà Nội gặp gỡ, vận động, thuyết phục các nhà lãnh đạo địa phương. Có khi người ta thấy bà cùng các nhân viên leo lên lợp lại mái nhà cho một trạm kiểm lâm bị dột nát giữa rừng. Công việc bề bộn, sách báo, nhạc rock và môn võ Nhật mà bà thường tập một mình giữa rừng đã làm cho bà tiến sĩ không còn thời gian cảm thấy cô đơn.

Nhưng người đàn bà nghị lực, không mệt mỏi ấy có lúc thấy mình bất lực. Đó là khi đi một mình trong rừng, bà bắt gặp những thợ săn mang súng (“Tôi không biết phải làm gì lúc đó”); Hoặc khi bà vấp phải sự thờ ơ của một vài vị cán bộ trên đảo. Họ không hiểu được tại sao bà lại đau khổ đến thế vì mấy con thú hoang nơi khe sâu rừng thẳm!

Mục tiêu giống nhau nhưng biện pháp khác nhau?

Từ Hải Phòng chúng tôi điện cho ông Chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải (có đảo Cát Bà), xin được ông tiếp “về một vấn đề môi trường”. Ông từ chối ngay. Lý do: 2 ngày bận họp bàn sự phát triển kinh tế huyện đảo. Sau khi được cam kết rằng chúng tôi sẵn sàng chờ ông sang ngày thứ 3 và không lấy nhiều thời gian quí báu của ông, 11 giờ trưa ngày 22-5, ông và ông Phó Chủ tịch UBND huyện đảo  đồng ý tiếp tôi trên đảo Cát Bà.

Về bức thư của bà Rosi Stenke, cả 2 nhà lãnh đạo huyện đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ với bà tiến sĩ và khẳng định rằng: việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông PCT nhắc lại nhiều lần, chính quyền địa phương và Vườn Quốc gia có mục tiêu là giống nhau - Bảo vệ môi trường, nhưng biện pháp là khác nhau. Một bên (Vườn Quốc gia) nặng về các biện pháp “mạnh”: Sử dụng kiểm lâm, có ý định dời dân ra khỏi địa phận Vườn. Một bên chính quyền địa phương lấy biện pháp “nhẹ”: Tuyên truyền vận động nhân dân, sử dụng dân làm “phên dậu” cho Vườn. Ông nói: “70 kiểm lâm của Vườn Quốc gia không thể bảo vệ được 9800ha rừng và 5400ha biển của Vườn nếu không có dân. Vùng phía Bắc đảo không dân thường bị dân từ Hà Nam, Phong Cốc... đổ bộ lên rừng chặt cây bắn thú là một điển hình. Trước năm 96 kiểm lâm dùng tàu đi bắt ngư dân đánh cá bằng mìn không thành, nay đưa dân vào vùng đệm của Vườn Quốc gia nuôi cá lồng bè. dân tự bảo vệ nguồn lợi thủy sản của mình, hết chuyện đánh cá bằng mìn!

Tôi nhắc ông biết Vườn Quốc gia lại nghĩ khác. Việc cắt một vùng đệm và vùng biển Vườn Quốc gia Cát Bà để sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế là mâu thuẫn với mục tiêu bảo tồn của Vườn Quốc gia đã được xác lập trước đó. Hiện họ phản đối có một số người mới được chính quyền xã Việt Hải “bán mặt nước” cho khai thác gần khu vực có voọc sinh sống.



Được hỏi về một thông tin của bà Rosi Stenke: Tháng 2 vừa qua kiểm lâm Vườn bắt quả tang một người đàn ông mang súng vào vùng rừng cấm, xưng là cháu của ông Phạm Xuân Hòe, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, ông Thanh nói chắc như đinh đóng cột: “Nếu Vườn lập được hồ sơ, chúng tôi xử lý bất kể là con cháu ai!”, rồi kể sang chuyện trong một lần xuống làng chài Việt Hải, nằm trong khuôn viên của Vườn, ông thấy một cái đuôi thú treo trong ngôi nhà cạnh trạm Kiểm lâm và được ông giám đốc Vườn đi cùng cho biết: đó là đuôi voọc đầu trắng!?. “Phải xem lại chính những Kiểm lâm bảo vệ Vườn!”- Ông Thanh kết luận.

Thợ săn và những quầy thịt thú rừng

Từ Ủy ban huyện vào trung tâm Vườn Quốc gia là 14km đường rải đá đã bắt đầu hư hỏng. Anh Hoàng Văn Thập - Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Vườn - chìa cho tôi xem một tập biên bản. Xin trích một cái: “9 giờ sáng tại Bến Bèo, Kiểm lâm bắt được bà Vũ Thị Toa 52 tuổi, dân xã Việt Hải, xách cái làn đựng 1 con khỉ vàng và 7 con sóc. Tất cả đã chết và được làm lông sạch sẽ (trên đường tới quán thịt rừng?).

Anh Thập cho biết: Không năm nào không có chuyện xích mích giữa Kiểm lâm Vườn Quốc gia và dân Cát Bà. Kiểm lâm không thấy an toàn khi xuống với dân!

Đi lên phía Bắc khoảng 7 cây số là xã Gia Luận 200 hộ dân. Tôi móc phong kẹo cao su cho 2 đứa trẻ đứng bên đường, hỏi chuyện chúng. Thằng bé khoảng 3- 4 tuổi nhìn tôi với vẻ thích thú như thể nếu cho tôi vào nồi ninh 10 tiếng nhừ là có thể ăn được. Thập đã từng nói với tôi: nhiều dân Gia Luận có súng. Họ là những tay thợ săn có hạng. Chắc thằng bé nghĩ tôi là một con bạc má, khỉ vàng gì đó bố nó vẫn thường vào rừng lôi về.

Hôm sau tôi ghé vào một nhà hàng đề “Thịt thú rừng” ngay giữa trung tâm thị trấn Cát Bà. Ở đấy người ta đang bán... thịt chó. Tôi vẫy một anh xe ôm trông rất hiền lành, và bằng một câu xanh rờn: “Đi uống rượu thôi! La Vie chỉ làm ruột gan han rỉ”, thế là “thằng em” sẵn sàng đưa “ông anh” đi tìm quán bán thịt thú rừng thứ thiệt trên đảo. Đó là quán L.K treo biển thịt cầy, nhưng có thể gọi thịt sóc, kỳ đà, hoặc khỉ đuôi lợn... Đó là quán của T.Đ, một người đàn ông nhỏ con, vui tính, toàn thân toát lên một sức hấp dẫn hoang dã.

Tôi ngồi dưới tấm bảng hiệu “Phở - các món nhậu bình dân” và nghe chủ quán giới thiệu: “Vừa mới hết hàng! Còn nửa con cáo, dùng tạm!”. Trong lúc ông chủ chặt 1/4 con cáo xào với củ xả, tôi ngồi gợi chuyện về voọc. Đ. kể hồi cuối năm ngoái, có tay thợ săn mang đến 3 con voọc đầu trắng sống. Anh mua rồi gọi điện cho giám đốc Vườn Quốc gia mang 1 triệu đồng đến chuộc về. “Vụ đó tôi bị lõm mất 1 triệu- anh nói- nhưng voọc là loài thú quí, bị cấm, mình làm nghề này phải biết chừa ra. Nếu anh thích ăn bạc má, sóc đen, nhím, khỉ mặt đỏ, cứ đặt trước cho 1 ngày, tôi đi lấy hàng tươi cho. Vợ tôi nó là người Gia Luận đấy!”. Tôi hỏi nhỏ anh: “Thế không sợ bị bắt à?”. Anh cười rất tươi: “Các ông đi bắt vẫn ăn ở đây!”- “Thế ông X. có ăn không?”- “Ông ấy thì cho người lấy mang về!”. Máy ghi âm vẫn chạy tốt. Tôi đã thu được quá nhiều từ sự đầu tư vào 1/4 con cáo.

Đoạn kết

Tôi không ngờ rằng trên đảo Cát Bà có đến 2 sàn khiêu vũ hiện đại chứa nổi hơn 1 ngàn người. Hàng đêm, tiếng nhạc disco thoát ra đập vào chân núi. Thế nhưng lũ voọc đầu trắng không quan tâm gì đến thứ âm thanh vô hại này. Vì chúng còn phải giỏng tai cảnh giác với tiếng bước chân khe khẽ dẫm lên lá mục của người thợ săn, không phải ánh sáng văn minh, mà chính là sự tăm tối ý thức, can thiệp thô bạo vào môi trường sống ngàn đời của chúng mới là kẻ thù của voọc. Phần lớn người dân trên đảo Cát Bà đều nói chỉ được nhìn thấy voọc in trên áp phích kêu gọi bảo vệ chúng. Cầu trời! Thế còn hơn là nhìn thấy chúng thật trong quán thịt rừng!

Link Facebook