Gần 10 năm nay tôi đã định viết về ông, mặc dù viết về ông thực là
khó. Ông là một nhà khoa học, nhưng còn xa cỡ cha đẻ ra bom nguyên tử,
là người kiến thức rộng rãi, nhưng chưa đủ uyên bác để soạn thảo Bách
khoa toàn thư, là nhà hoạt động xã hội, nhưng không vượt ra khỏi tầm
quốc gia. Tóm lại, ông không phải là vĩ nhân, Thánh nhân để có thể viết
cả một cuốn sách về ông với những lời nói bất hủ như là chân lý vĩnh
cửu! Ông chỉ là một Con Người - như 2000 năm trước đây nhà hiền triết
Diogene đã đốt đuốc giữa ban ngày để tìm.
May thay, tôi không
phải làm việc nhọc công của bậc hiền nhân đó, 12 năm nay tôi đã ở cạnh
bên ông. Ông là Cục trưởng Đăng kiểm, tôi là nhân viên dưới quyền. Tôi
không có tên trong đám những người được ông trọng dụng, mà chỉ thuộc số
những kẻ được ông tâm đắc. Có lẽ bởi trời cũng phú cho tôi khả năng có
thể ngồi vài ba tiếng nghe ông thuyết giảng từ chuyện trên trời đến
chuyện trên biển, có hôm cả dưới đáy biển! Qua những cuộc mạn đàm
“marathon” ấy, tôi hiểu ông.
Ông là con Người, bởi lẽ ông thật
khác người. Nói ông khác kẻ phàm phu tục tử vẫn là chưa đủ. Ông có hơi
hướng, cốt cách của dạng người tử vì Đạo. Ông hờ hững với lạc thú trần
gian vì đề cao những khát vọng tinh thần! Tựa hồ như ông không có thân
xác. Ông ăn uống để tồn tại chứ không để thoả cái thú ẩm thực. Đĩa tôm
he rán, bát rau muống luộc, với ông chúng chỉ khác nhau ở lượng calorie.
Ông đã đi khắp thế giới; Đã đứng cúi đầu suy nghĩ trước kim tự tháp Ai
Cập; Đã bước lang thang giữa những hàng bán sách cũ ven bờ sông Seine;
Đã đặt chân vào Văn phòng hãng Lloyd cự phách một ngày sương mù London
có màu đỏ như trong tranh Monet. Và rồi trở về với căn nhà mình tồi tàn,
lụp sụp, một xó ngoại ô xa lắc xa lơ như bị lực ly tâm của đời sống thị
thành bon chen đánh bật ra ngoài. Những người nông dân Đông Khê, Hạ
Lũng (Hải Phòng) sáng sớm ra chợ bán hoa chắc không để ý một người đàn
ông gày gò, nhỏ bé, xuyềnh xoàng như họ, đi chiếc xe đạp lọc cọc trên
đường gồ ghề ngập bùn bởi trận mưa đêm hôm qua. Ông đó! Ngài Cục trưởng
vài hôm trước đã ngồi Boeing phản lực vượt Đại Tây Dương! Nếu ông chỉ là
1 kẻ ép xác giữa thời đồng tiền được nhiều người phong Thánh này, thì
ông cũng đã ngồi trên đời thường. Song ông lại có cả cái tâm Hiền, tài
trí.
Bình sinh ông là người có tấm lòng đôn hậu, thấm nhuần
những tư tưởng nhân văn trong triết học cổ điển Trung Quốc. Đặc biệt
thuyết Kiêm ái của Mặc Tử. Người ông ngưỡng mộ đó là Nguyễn Trãi, một
tấm lòng yêu đồng loại mênh mông. 10 ngày trước khi rời khỏi cuộc đời,
nằm trên giường bệnh trong trạng thái gần tới sự sám hối, ông nói “Tôi
không bao giờ làm điều thất đức!”. Có cô nhân viên của ông lỡ thì nghe
Hồ Xuân Hương “xui dại” để “Không chồng mà chửa thế mới ngoan”, bị cơ
quan đem phê bình để giúp tiến bộ! Ông biết và đòi hủy bỏ lập tức cuộc
“hành quyết tâm hồn con người” này. “Nếu người phụ nữ bất hạnh không có
quyền được làm vợ, thì phải cho họ quyền được làm mẹ!”- Ông nói. Dạo đó,
lễ giáo phong kiến nghiêm chặt còn chưa có “cơ chế thoáng” như là bây
giờ, hành động của ông làm cho nhiều người hoảng hốt, kêu toáng lên ông
dọn đường cho thói đồi bại lẻn vào cơ quan! Ông đã nổi giận vì con người
hóa tàn nhẫn bởi những giáo điều cổ hủ.
Dẫu là ngồi trên ghế
cao ông vẫn giữ được khả năng cực quí lắng nghe kẻ dưới kể những nỗi
niềm của họ. Cho nên ông biết ngóc ngách, cá tính, gia cảnh vô số nhân
viên dưới quyền. Trong thuật xử thế, ông tâm đắc lời Lỗ Tấn: “Quắc mắt
khinh thường ngàn lực sĩ. Khom lưng làm ngựa vạn nhi đồng”. Một vị
“thượng quan” của tỉnh đã bị ông mời ra cửa vì nói những điều giả dối
ngu ngốc về sự công bằng và tình nhân ái (sau này ông ta đã bị huyền
chức vì đủ thứ tội). Với những con người có thân phận càng “bé nhỏ”, ông
càng giữ mình cẩn thận. Mỗi lần ông đi “Tây” về thì anh gác cổng và chị
lao công lại có quà hậu hĩnh hơn tất cả. Khi phải phạt ai thì ông
thường đánh vào lưng để đẩy người ta lên trước. Và khi khen ai ông làm
người ta cảm động, không có mặc cảm chịu ơn. Xét ra ông ân thưởng gấp
trăm lần trừng phạt. Túi ông bao giờ cũng có tiền lẻ để bố thí cho kẻ
nghèo (mà ông thì giàu có gì!). Lũ trẻ hành khất mách nhau thường tìm
đến ông xin quần, xin áo.
Ông gần đạt tới dạo Thiền để không
hoảng hốt, bao dung với đời. Chúng tôi lấy cái tâm mờ, trí đoản đàm tiếu
ông gàn và dại, vì 10 năm làm Cục trưởng Đăng kiểm, ngồi trên đỉnh cao
quyền lực, bổng lộc, ông không tư túi dành khi về già hưởng thú điền
viên. Lòng ông sáng như trăng rằm. Tham nhũng, hối lộ, ông ghê tởm như
bệnh hủi, vô phúc cho ai định lấy lòng ông bằng tiền! Đến chết, ông -
người thông hiểu lẽ đời - vẫn là kẻ không “thức thời”, vì ông không chịu
làm ngơ để người ta bê xe máy, đầu video, xây nhà mặt tiền cho ông! Ông
đi Tây như đi chợ mà nghèo như dân làm báo chúng tôi. Tới khi về hưu,
ông chẳng ước mình tuổi Sửu. Cái Liêm của ông có thể sánh với người xưa.
Ông
có cái Lễ Nghĩa của nhà nho hiểu sách Thánh hiền. Ai giúp được ông điều
gì ông đều cảm ơn cẩn thận. Ông giúp được ai điều gì thì ông lặng lẽ
như không. Cũng những năm trước, một cán bộ đầy năng lực của ông, vì
vướng lý lịch mà bị khó dễ trong việc làm hộ chiếu đi Nhật Bản công tác,
ông đã tự ý đem cả sinh mệnh chính trị đặt cược vào Tờ Bảo lãnh. Người
thân của ông dày vò: “Nhỡ anh ta trốn ở lại?” Ông cười thản nhiên: “Thì
tôi đi tù!”. Dĩ nhiên trước cái nghĩa tình như vậy, ai nỡ không về. Dẫu
người đức độ, song ông không lánh xa đời như nhà tu hành. Trái lại, ông
là 1 kẻ “dấn thân” theo Jean Paul Sartre, là nhà khoa học có tài tổ
chức, là nhà sư phạm đáng kính và nhà hoạt động xã hội nhiệt tâm.
Đăng
kiểm là ngành khoa học độc đáo, một thứ “cảnh sát kỹ thuật” bảo vệ cuộc
sống của tàu thuyền trên sông biển. Con tàu hiện đại là sự thể hiện
bằng sắt thép các tri thức khổng lồ, đôi khi là những tiếng nói mới nhất
của khoa học và kỹ thuật. Bởi thế, trong làng hàng hải nước ngoài, Đăng
kiểm đồng nghĩa với sự thông thái, uyên bác. Đăng kiểm Việt Nam ra đời
vào năm 1964. Trước khi có ông, nó chỉ là 1 hình nhân. Ông đến thổi hồn
cho nó, nhào nặn nó bằng bàn tay của nhà độc tài, thành một thực lực
hiện hữu từ Bắc đến Nam, và bắt đầu tìm ảnh hưởng của mình bên ngoài
biên giới quốc gia. Thế nhưng, thống trị ở Cục Đăng kiểm không phải là
bầu không khí phập phồng lo âu của cuộc thanh trừng, mà là tinh thần dân
chủ sâu sắc, tự do cởi mở, hiếm nơi nào hơn. Bởi ông không “cai trị”
bằng thủ đoạn tàn nhẫn, tính hà khắc của bạo chúa và sự mị dân phè phỡn.
Ông lấy cái Tâm và Tài cảm hoá, chinh phục như chàng Đanco đốt trái tim
mình làm đuốc dẫn đường. Vì ông thường nói: “Thượng bất chính, hạ tất
loạn”.
Ai đã gặp ông hẳn khó lòng quên một ông già gầy, bé
nhỏ, linh hoạt, khôn ngoan, nói nhiều và nhanh như máy. Ông có kiến thức
lại thêm có lửa trong lòng làm thành biệt tài hùng biện của các thuyết
khách thuở xưa. Nhiều nhà báo, nhà chính trị bị ông chinh phục bằng nghệ
thuật này. Ông là một nhà ngoại giao mẫn tiệp. Sức cảm hoá và hấp dẫn
con người của ông thật là kỳ lạ. Mỗi lần bước chân ra khỏi phòng ông,
tôi có cảm giác như trời xanh hơn và lòng khát khao làm việc nhiều hơn.
Bởi thế ông luôn lôi cuốn được một tập thể tình nguyện, hào hứng, tạo
sức mạnh cho những tư tưởng và hành động của mình.
Cái đích
cuộc đời ông là sự nghiệp, chứ không phải sự vinh thân phì gia, nên ông
dám dùng người tài dù “ngựa thiên lý bất kham”. Hơn nữa, ông quan niệm
rằng chẳng có ai bỏ đi cả. Ông quan võ giỏi bắn cung, người bán dầu giỏi
rót dầu, vấn đề là có con mắt tinh đời đặt người nào vào việc nấy. Phần
lớn cán bộ Đăng kiểm ngày nay, từ ông Cục phó đến người gác cổng, đều
là học trò của ông.
Ông có khả năng làm việc triền miên như
được lắp một động cơ vĩnh cửu. Sáng đến cơ quan cứ nhìn điệu bộ bận rộn
như chuẩn bị cưới của cô nhân viên tổng đài điện thoại, thấy người nhộn
nhịp như đi ăn tiệc bị muộn ngoài các hành lang, nghe máy tính đánh rào
rào, biết ngay là ông cónhà, cả cơ quan đang chạy theo. Còn khi nào ông
vắng nhà, trao quyền cho vị “phó vương” hiền lành, thì cô tổng đài lại
ngồi tỉa tót lông mày, ông chuyên viên vẫn lạnh lùng đứng gác chân nhổ
râu vặt, chị đánh máy sôi nổi bàn về mốt... Sinh hoạt cơ quan trở lại
bình thường! Tôi nghĩ đấy là khuyết điểm của ông.
Xuất thân
trong một gia đình dòng dõi trí thức, phương pháp làm việc của ông khoa
học và có mục đích rõ ràng. Ông kiên trì và khôn khéo để hầu như không
thất bại trong những quyết tâm chiến lược của mình. Ông là người đi tiên
phong, vận động đưa Việt Nam vào IMO (Tổ chức hàng hải quốc tế của Liên
hợp quốc); Là một trong những người sáng lập Trường Đại học Hàng hải
Việt Nam; Một người khởi xướng thành lập Hội từ thiện Tấm lòng vàng Hải
Phòng. Chính ông đề nghị đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam; Là cha đẻ của Đăng kiểm Việt Nam theo nghĩa
hiện đại của từ. Về hưu, ông hoạt động Hội, thành lập Cty Tư vấn. Còn là
gì nữa, ai biết? Nếu không có cái chết đến. Những tế bào phổi ung thư
làm ông đau đớn. Biết mình bị bệnh nan y, ông không ăn uống, rũ áo ra
đi, mang theo trái tim cô đơn, tan nát vì bao khát vọng bỏ dở không còn
thực hiện. Trước tết, tôi đem thư thăm hỏi của anh em báo chí biết ông
ốm nặng vào viện đọc cho ông nghe. Ông khóc. Không ngờ đấy là những giọt
nước mắt cuối cùng của một tâm hồn đa cảm.
Ông ơi, cổ nhân
hát rằng “Quan bà chết, khách đầy nhà. Quan ông mà chết, cỏ gà đầy sân”
vì không biết có những người như ông đấy thôi. Hôm đưa ông đi an giấc
ngàn thu cũng có điếu văn, có hoa như nhiều người khác. Chỉ có nước mắt
hơn nhiều người khác. Nước mắt khô khốc của ông bạn già hàng xóm. Nước
mắt nức nở của người hoạ sĩ vốn chỉ tôn thờ cái đẹp. Nước mắt lặng lẽ
của các nhân viên dưới quyền mà ông thì đã về hưu từ 3 năm nay! Ông còn
đâu quyền cho ai đi “Tây”, đi Nhật. Còn bổng lộc đâu ban phát cho ai? Họ
không khóc cho ông Dinh văn Khai, Cục trưởng, mà khóc vì một ông Đinh
văn Khai- Con Người. Nước mắt bây giờ mặn như máu đỏ vì nó ứa từ tim
lên, chứ không từ đầu chảy xuống. Rơi vào bó hương tàn kia, nước mắt sẽ
cháy bùng lên như ngọn đuốc của người xưa đi tìm một Con Người.
Xin
ông yên lòng ra đi, ông Đinh Văn Khai ơi! Con trai ông đã có việc, con
gái ông đã có tuần trăng mật như niềm mong ước cuối cùng của ông. Đăng
kiểm vẫn tồn tại đấy với tất cả những dấu ấn, thành quả, phong cách của
ông. Còn tấm bia trên mộ ông, chúng tôi đã khắc vào lòng. Xin ông đừng
trách một vài kẻ không hiểu ông, đã cười cợt, xuyên tạc ông, chỉ vì ông
Con Người quá ông ơi. Chúng tôi không theo nổi ông. Dẫu biết rằng ông
cũng có khuyết điểm đời thường. Ông khắc kỷ quá, không phải mẫu người
trần tục hiện đại: Biết làm và cũng biết hưởng! Ông như một giấc mơ đẹp.
Chúng tôi chỉ biết kính nhi viễn chi, lấy ông làm gương dạy cho con
cháu. Thế nhưng xã hội không có những người hỉ xả như ông sẽ chỉ còn sự
tầm thường!
Tôi vục cả đầu vào bể nước lạnh, mong lấy cái lòng
nguội lạnh, cố viết những lời lạnh lùng về ông để tình cảm riêng không
bùng cháy thiêu đốt mình, để ông hiển hiện như ông vốn có.
Ông là người thày đưa tôi vào nghề làm báo. Hôm nay về nơi thiên cổ, xin nhận nơi tôi ba lạy!
Link Facebook
28 thg 7, 2014
Trang web đăng các bài phóng sự, bút ký, tản mạn,... của nhà báo Hà Linh Quân