7 thg 8, 2013

Petersburg - Thành phố của thánh Peter và những đêm trắng

Ba mươi năm trước một cuộc “cách mạng” nội thất xảy ra trong căn nhà của chúng tôi. Các đồ đạc Nga lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những thứ đến từ Mỹ, Nhật Bản... Đầu tiên là xe Honda chiếm chỗ xe Minsk, cái nồi cơm điện Nhật Bản thay nồi áp suất Liên Xô, chiếc tủ lạnh Hitachi “đẩy” Saratov ra cửa…

Đến bọn trẻ cũng thích treo ảnh chuột Mickey hơn là ngắm nghía 6 cô gái Nga bằng gỗ nằm trong con Matrioska. Và chúng đòi tôi phải dọn đống sách tiếng Nga vào kho để lấy chỗ cho chúng bày đặt sách tiếng Anh. Một hôm chúng kéo nhau đi nghe dàn nhạc giao hưởng Mỹ Philadelphia vừa sang Việt Nam biểu diễn. Trở về, chúng reo lên từ ngoài cửa. Chợt đứa con gái nhận thấy trên mặt mẹ nó còn đọng lại giọt nước mắt. TV đang phát một chương trình ca nhạc Nga. Chúng chợt hiểu rằng dù đồ đạc Nga đã ra khỏi cửa, song tâm hồn Nga vẫn ở lại trong nhà bố mẹ chúng.

Thế rồi một ngày cuối hè, chúng tôi mang tâm hồn Nga lên chiếc Boeing của hãng hàng không Việt Nam bay đến nước Nga. Chiều muộn, máy bay hạ cánh xuống Domodedovo (Moskva). Ngay phút đầu tiên gặp gỡ nước Nga, tâm hồn Nga của chúng tôi chưa kịp nở hoa đã bị rỉ máu. Một vị công chức sân bay Domodedovo, cặp mắt mờ đục như màu của bầu trời ngày mưa gió, bằng cái giọng nói nghiệt ngã đòi hỏi chúng tôi mỗi người phải đưa cho gã 100 đô Mỹ thì mới được xếp chỗ trên chuyến bay chuyển tiếp đến Petersburg. Khi bị chúng tôi phản đối, gã cười bằng môi, dửng dưng như một thầy tu kín thời Trung cổ nhìn lũ chúng tôi (du khách quốc tế!) lếch thếch kéo nhau ra ga tàu hỏa.

Ở đời trong cái dở có cái may. Bỏ máy bay đi tàu hỏa, tôi lại được ngắm nước Nga qua khung cửa sổ. Suốt dọc con đường là những cánh rừng bạch dương bồng bềnh, mờ ảo trong các làn sương muối trắng như sữa. Mặt trời vừa mọc, trên đỉnh ngọn thông cao vút bắt đầu đọng lại giọt nắng đầu tiên. Một con thỏ trắng không biết từ lối mòn nào trong rừng chạy ra ngồi trên hai chân, chìa cái bộ mặt nhăn nhó về phía đoàn tàu. Những bãi cỏ xanh nở đầy hoa dại. Thỉnh thoảng trong vạt rừng thưa, hiện ra vài ngôi làng nhỏ với những căn nhà bằng gỗ có các cửa sổ câm lặng, lấp lánh nhờ phản chiếu ánh mặt trời. Những con ngỗng trắng như tuyết bệ vệ rời chuồng, đi ra hồ nước đằng trước một ngôi nhà thờ có mái chóp hình củ hành... Đây mới chính là nước Nga của tôi, nước Nga tôi được đọc trong sách của Bunin, Paustovsky, Blok, và Esenin…

Quá khứ vàng son

Mười giờ sáng chúng tôi đến Saint Petersburg, thành phố của thánh Peter! Trong đầu tôi chợt hiện lên bức tranh trận đánh trên các hồ nước đóng băng ở Poltava giữa vua Peter đại đế với người Thụy Điển để hiện thực cái giấc mơ thầm kín của bao triều đại Sa hoàng - một con đường đi tới biển Baltic - được in trong sách giáo khoa lịch sử. Và hình ảnh bữa tiệc lớn trong chiếc lều của Peter đại đế dựng trên hòn đảo “Thỏ rừng” hoang vắng được mô tả trong tiểu thuyết lịch sử “Peter đại đế” của A. Tolstoy. Giữa tiếng chạm cốc lanh canh và tiếng gầm của đại bác, nhà vua quyết định xây một pháo đài mang tên thánh Peter và thánh Paul. Cái ngày hôm ấy (16.5.1703) từ rừng rậm và đầm lầy đã khai sinh ra thành phố Saint Petersburg trẻ đẹp lộng lẫy như vị nữ hoàng vừa mới lên ngôi, đẩy Moskva xuống thành bà hoàng thái hậu.

Sau những bức tường bằng đá cao 12m, pháo đài đặt 269 khẩu pháo, nhưng chẳng để làm gì cả vì người Thụy Điển không dám mạo phạm đến Petersburg. Thế rồi pháo đài trở thành nhà tù. Tù nhân đầu tiên chính là vị hoàng tử cả của vua Peter với người vợ đầu. Buổi sáng chúng tôi đến thăm nơi này mưa rơi tầm tã, vòm trời cong xuống trên tòa pháo đài im lặng. Lũ chim sẻ đã thôi hót, chim cúc cu vẫn tiếp tục kêu trong mưa, tiếng kêu buồn bã, như thương tiếc cho số phận của những người tù ngày xưa. Trung tâm pháo đài là nhà thờ thánh Peter và Paul, nơi chôn cất hoàng đế Nga Peter vĩ đại. Giờ này linh hồn ngài đang ở đâu? Tôi nhìn lên nóc nhà thờ thấy một thiên thần bằng vàng lấp lánh.

Khách sạn nơi chúng tôi đến trên đại lộ Nevsky, dài 4,5km, bắt đầu từ cung Đô đốc với chiếc phong vũ biểu hình con tàu bằng vàng trên mái, và kết thúc ở tu viện Alexander Nevsky. Đại lộ vắt qua sông Fontanka, qua sông Moika, qua kênh đào Griboyedov, mang tên nhà viết kịch Nga lỗi lạc, mà bên bờ kênh là nhà thờ Chúa cứu thế - một đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Nga với vô số những tranh khảm trên tường (mosaic), và một phong cách kiến trúc lộng lẫy. Cô bạn đồng hành của tôi thốt lên: “Tại sao con người có thể làm được điều kỳ diệu này?” Chịu thôi! Tôi vào Google cũng không  thấy câu trả lời này.

Bên ngoài nhà thờ Chúa cứu thế

Song ấn tượng nhất phải là nhà thờ lớn Thánh Isaac - nhà thờ chính thống giáo Nga vĩ đại nhất Petersburg được xây dựng năm 1818. Phía ngoài là 112 cây cột đá hoa cương cao 15m, đỡ cho nhà thờ có thể chứa được 14.000 người, vươn lên trời cao 101,5m. Phía trong, người Nga dùng 300kg vàng trang trí, khiến nhà thờ thánh Isaac trở nên vô cùng lộng lẫy. Ban đêm những người thủy thủ trên vịnh Phần Lan chỉ nhìn thấy 3 điểm sáng: Ngọn lửa màu trắng của cây đèn biển ở pháo đài Kronstadt, ngọn lửa xám của sao Mộc, và ánh sáng vàng điềm tĩnh của mái vòm nhà thờ thánh Isaac. Đứng dưới mái vòm của nó, lòng người nhẹ nhõm, cảm giác như được tưới trong ánh sáng. Chỉ hiềm giữa lúc một niềm xúc động hỗn độn vừa hân hoan vừa huyền bí đưa chúng tôi bay lên cao thì người hướng dẫn du lịch của Nga lôi tuột chúng tôi xuống đất với lời nhắc nhở: “Cẩn thận, trong nhà thờ có lắm kẻ móc túi!”.

Nếu các nhà thờ làm cho con người cảm thấy mình bé nhỏ đi, thì những lâu đài đưa con người tới tình yêu cuộc sống. Quảng trường Cung điện đẹp nhất thành phố nằm bên bờ sông Neva. Bao quanh quảng trường có 6 cung điện, nguy nga, đồ sộ. Ngày nay 4 cái (cung điện Mùa đông, Hermitage nhỏ, Hermitage mới, Hermitage cũ) đã hợp thành viện bảo tàng Hermitage quốc gia, một trong những viện bảo tàng cổ nhất, lớn nhất thế giới, ngang ngửa với Bảo tàng Anh (London) và Louvre (Paris). Hermitage có hơn 3 triệu hiện vật văn hóa, nghệ thuật từ thời tiền sử cho đến hiện đại. Đặc biệt là bộ sưu tập tác phẩm của nhiều danh họa thuộc các trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, lập thể Pháp... Renoir, Cezanne, Picasso, Kandinsky... những cái tên gây thèm muốn cho bất cứ bảo tàng nào.

Trong bảo tàng Hermitage

Chỉ riêng cung điện Mùa đông (“hạt nhân” của Hermitage), có đến 1786 cửa lớn, 1945 cửa sổ, 1.500 căn phòng, 117 cầu thang. Chúng tôi đã đến xếp hàng trước cổng để ngắm các dãy cột tròn khỏe khoắn, những hàng rào gang tuyệt đẹp trong cái không gian xanh biếc, mát rượi và chờ đợi được đặt chân lên chiếc cầu thang Jordan nổi tiếng, đứng giữa gian phòng Peter và George... để chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa, kiến trúc, những đồng tiền cổ, các loại huân chương, vũ khí, và đứng chụp ảnh với “Người đàn bà trong vườn” - một kiệt tác của Monet, hay “Ngôi nhà trắng trong đêm” của Van Gogh. Đến Petersburg mà không vào Hermitage coi như bạn chưa từng đến thành phố của thánh Peter.

Đầu thế kỷ thứ 18, Peter đại đế vừa từ Paris trở về. Cung điện Versailles làm mê hoặc ngài. Nhà vua muốn người Thụy Điển đã bị vũ khí của ông chinh phục phải bị khuất phục trước sự giàu có của đế quốc Nga, và Peterhof, 20km về phía tây Petersburg, được chọn để xây dựng điện Versailles của Nga. Trên diện tích hơn 1.000 hecta, người Nga cất lên 20 cung điện, 7 công viên và 140 đài phun nước - những bức tượng đồng mạ vàng nổi tiếng. Điều rất độc đáo: Các đài phun nước này không cần bơm. Những con suối từ nơi xa (20km) chảy về các hồ chứa trong vườn Thượng rồi “nén” xuống những đài phun đặt ở vườn Hạ. Cuối tháng 4 đến hết hè, vào lúc mặt trời lên đỉnh, các đài phun lại cất lên một bản thánh ca (nhạc nước). Từ trên bầu trời, chúng tôi nghe thấy tiếng chim rót xuống lảnh lót thành dòng mát lạnh như những tia nước đầu nguồn và cảm nhận rõ trọng lượng của mùi hương từ hoa cỏ đang lan tỏa trong không gian thoáng đãng.

Không xa những đài phun nước của Peterhof là cung điện Catherine. Bên ngoài cung điện theo phong cách Roccoco được trang điểm bằng 100 cân vàng. Thế nhưng, bên trong cung điện có thứ còn quý hơn vàng. Không phải đại sảnh “ánh sáng,” không phải những cánh cửa sổ cong lớn, không phải một bức bích họa hoành tráng phủ kín toàn bộ trần nhà, mà đó là phòng hổ phách huyền thoại, món quà của hoàng đế Phổ Friedrich Wilhelm I tặng hoàng đế Nga Peter đệ nhất. 450kg hổ phách được các nghệ nhân Nga và Florentia (Italia) khảm với vàng và đá quý vùng Ural, Caucasus, tạo ra hiệu ứng màu sắc vô cùng kỳ lạ. Năm 1941 phòng hổ phách bị quân Đức phát xít  tháo dỡ và mất tích đầy bí ẩn. Người Nga bỏ ra hơn 12 triệu USD để phục hồi phòng hổ phách. Ngày mở cửa phòng hổ phách (năm 2002) có Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tới dự.

Trong cung điện Catherine

Thành phố có đàn sếu bay ngang trời

Suốt 200 năm, Saint Petersburg là thủ đô của nước Nga. Năm ngày sau khi Lenin từ trần, thành phố được đổi tên là Leningrad và mãi đến năm 1991, người Nga mới trả lại tên Saint Petersburg. Dù đã hơn một thế kỷ không còn là thủ đô Nga, dấu ấn kinh kỳ vương giả vẫn còn vương vất, phảng phất đâu đó ở những tòa nhà có các hàng cột khỏe khoắn được xây dựng theo phong cách Baroque trên đại lộ Nevsky, ở những cổng chào uốn cong trên các nhịp cầu vắng vẻ, bắc qua kênh đào Griboyedov, ở những cây sến cổ thụ trong vườn Mikhailovsky. Đến Petersburg, chúng tôi khát khao được gặp lại những hồi ức vĩ đại của cái thành phố vẫn mơ về thuở xa xưa.

Điện Smolny

Con sông Neva chảy từ hồ Ladoga ra vịnh Phần Lan. Xe chở chúng tôi chạy theo nó qua quảng trường Senata. Trời mưa, mặt nước sông nặng màu chì, từng lớp sóng buồn xô tới, vỗ vào những phiến đá hoa cương lát 2 bờ từ thuở nữ hoàng Catherine II. Người hướng dẫn viên du lịch của Nga nói rằng: Rất hiếm có hôm bầu trời và mặt nước sông Neva lại cùng một màu xanh trong như cái ngày người Nga đã dựng lên ở đây tượng Người kị sĩ bằng đồng, 40 năm sau khi vua Peter băng hà. Qua kính cửa xe nhòe nhoẹt nước mưa, chúng tôi nhìn thấy vị hoàng đế Nga vĩ đại ngồi trên lưng con ngựa đồng, hai chân trước ngựa chồm lên, hai chân sau giẫm đạp một con rắn. Đứng dưới trời mưa, người kị sĩ trông lạnh lẽo, cô đơn.

Buổi sáng, cũng trong trời mưa thế này, chúng tôi đứng dưới tượng Pushkin đặt trước cung Mikhailovsky mà lòng lại thấy ấm áp như được đứng dưới mặt trời. “Mặt trời của thi ca Nga” đã sưởi ấm những tâm hồn Việt Nam. Học sinh, sinh viên thế hệ chúng tôi có ai lại không thuộc lòng câu thơ bất hủ: “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu, trước mặt anh em vụt hiện lên…” của ông. Ôi Pushkin! Tôi muốn đến gần để sờ lên bàn chân ông, nhưng ông đứng trên cao quá, tôi sờ không tới. Lũ chim bồ câu từ sân quảng trường nghệ thuật bay đến, đậu lên tay ông, lên cả đầu ông (láo quá!). Có vẻ chúng biết nhà thơ không chinh phục bằng vũ khí như các quân vương. Đứng tựa trên cầu qua sông Moika, tôi giở bản đồ để tìm ngôi nhà nơi người ta đưa ông về sau phát súng định mệnh của Dantes ở rừng Sông Đen, nhưng không tìm thấy. Nhìn xuống dòng sông, chỉ thấy có 1 ngôi sao màu lam lấp lánh ở dưới đáy nước.

Cổng vườn cung điện Catherine

Hàng đêm, người bạn đồng hành của tôi lại rắc ít vụn bánh mỳ ra ngoài cửa sổ. Buổi sáng có đàn chim sẻ từ đâu kéo đến, cãi nhau chí chóe, tiếng mỏ gõ vào cửa kính nghe như tiếng trận mưa rào. Petersburg thật yên bình. Thành phố không có những tòa nhà cao chọc trời, phần lớn là nhà 4 tầng với những chậu hoa đặt trên cửa sổ, tràn ngập màu xanh công viên. Dưới bóng cây sến cổ thụ, những ông bà già ngồi hàng giờ trên chiếc ghế băng dài. Có lẽ (tôi tưởng tượng thôi) họ đang đợi chờ ngắm những đàn sếu bay qua. Có câu chuyện Nga nói rằng vào những ngày trời mát mẻ nếu người nào được gặp một đàn sếu giăng hàng bay ngang qua đầu thì đến chết vẫn ước ao được sống mãi ở nước Nga.

Trên đại lộ Nevsky phố đi dạo của Saint - Petersburg, người dân đi đứng vội vàng nhưng không ồn ào, ô tô rất nhiều nhưng không chen nhau. Các cô gái Nga xinh đẹp ăn mặc kín đáo (nhưng khi đêm xuống trong các quán bar, cà phê, họ cũng phá cách ác liệt). Chim bồ câu nhặt thức ăn ngay dưới  chân người. Phía số nhà chẵn, được gọi là phía “mặt trời”, đầy các cửa hàng thời trang trưng bày những mốt năm nay ở Paris hay Milano. Thế nhưng tình  cờ, chúng tôi đi lạc vào cái ngõ nhỏ ở phía “lẻ” của đại lộ, phía “bóng râm” như cách nói người địa phương. Một cảnh tượng rất bất ngờ hiện ra: Trên đám cỏ hoang với đàn gà mái mải mê chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ khó hiểu của chúng, vài gã đàn ông trông rất khả nghi lảng vảng như tìm kiếm cái gì đó. Những ngôi nhà trông tiều tụy, rách nát với các đường ống dẫn nước chi chít những vết rạn nứt. Ngoài cửa có một bà già nhăn nhúm, quấn trong tấm khăn đen. Đôi môi mỏng mím chặt, cái  cằm nhọn chìa ra, cặp mắt nheo nheo. Đích thị là hình mẫu của bà già cho vay lãi trong “Tội ác và hình phạt” của Dostoyevsky. Đại lộ Nevsky là nơi Dostoyevsky và Gogol cho các nhân vật bất hủ của mình “đất sống”.

Chiều  xuống, nước Nga quá khứ hiện về ở trong một nhà hàng Nga “cổ điển” như kiểu “Quán Xưa” Việt Nam. Nhà có cánh cửa sổ lớn, khung cửa chạm trổ cầu kỳ. Tường nhà treo đầy ảnh Thánh và tranh khắc gỗ. Góc nhà cắm một cành lá linh sam, để những chiếc cào, chiếc hái và chiếc bếp lò kiểu Nga với cái ấm samova. Người hầu bàn nam tóc màu hạt dẻ, mặt lốm đốm tàn nhang, mặc quần ống rộng kẻ sọc màu hồng, áo sơ mi lụa, ngang mình thắt dây lưng vải dọn cho chúng tôi súp bắp cải chua, bánh mì đen, thịt lợn muối, cá trích hành tươi, khoai tây đựng trong liễn sành. Cô gái phục vụ có mái tóc dày óng ánh vàng quấn quanh đầu, theo kiểu nông thôn. Thế nhưng người cô không tỏa ra mùi sữa tươi mới vắt hay mùi của nhựa cây phong, mà là mùi hương dịu ngọt của nước hoa Chanel 5, mời chúng tôi nước đun với lá phúc bồn tử và bánh nướng có nhân táo. Đến bếp Nga để mà biết vậy thôi, chứ trong chúng tôi ai cũng thèm một bát cơm, đĩa rau muống luộc. Thực đơn Nga đầy  chất béo, nhìn những người đàn bà Nga là biết.

Cũng chỉ vì “để mà  biết”, chúng tôi đã lên một con tàu nhỏ ngắm thành phố từ dòng sông Neva với giá 100USD/người. Đáng tiếc, chúng tôi chẳng ngắm được gì, vì bầu trời đầy đám mây sũng nước, dựng lên như một bức tường đen sì. Cơn mưa lơ lửng như mái tóc xõa và rồi ào ào trút xuống mặt sông. Nhưng trong khoang tàu ấm áp đã có hai chàng nhạc công người Nga chơi đàn Balalayca và đàn baian cùng một cô gái cao lớn mang vẻ đẹp Nga hoàn hảo chào đón chúng tôi. Cô gái mắt quả anh đào đẹp lạ lùng trong chiếc áo dài xanh bằng vải sa tanh, cổ áo cô viền đăng ten, khăn mỏng cô vắt nơi vai, chuỗi hạt cườm ở cổ tay, cô tươi cười và vui vẻ mà rất đoan trang. Cô hát cho chúng tôi nghe về hàng thùy dương, về những cánh đồng lặng lẽ và vùng thảo nguyên có nhiều cô gái đẹp như khúc ca ban chiều bằng cái giọng Nga chua chua, không trộn lẫn vào đâu được.

Ngoài trời mưa tạnh, song không khí vẫn gờn gợn một thứ bụi nước li ti, dinh dính. Tôi trông ra sông, phía pháo đài Thánh Peter và Paul một chiếc cầu vồng cực lớn hiện lên mầu sắc ảm đạm, để không nhìn người nghệ sĩ cầm tờ “đô” Mỹ đặt lên trái tim rồi đưa môi hôn. Tàu chui qua cầu cung điện. Hằng đêm từ tháng tư đến tháng mười một, 22  cây cầu bắc qua Neva và các kênh chính được nhấc lên để tàu bè lưu thông với vịnh Phần Lan. Vì quá nhiều các kênh rạch, Saint-Petersburg còn được gọi là Venise của phương Bắc

Ngày nay Saint-Petersburg vẫn là một trung tâm văn hóa Nga. Thành phố có hơn 8.000 công trình kiến trúc, 2.000 hiệu sách, 221 bảo tàng, 100 dàn nhạc, 80 nhà hát. Trước khi đến Petersburg, tôi đã có 3 điều ước. Một là  được nghe trong gian lớn của nhạc viện Leningrad giao hưởng số 7 của Shostakovich - bản giao hưởng anh hùng của thế kỷ 20. Hai là tìm đến mộ ông Lep Scriagin, tác giả của những  cuốn sách viết về hàng hải nổi tiếng. Ba là đón đêm trắng bên dòng sông Neva.

Hai điều ước đầu không được thực hiện. Bởi vậy, dù cho nhiều người ngăn cản (đi đêm ở Petersburg sợ không an toàn - lý do vô cớ!), chúng tôi vẫn quyết thực hiện điều ước thứ ba. Gần 1 giờ sáng, taxi đưa chúng tôi đến quảng trường Cung điện. Những cây đèn trên quảng trường mờ nhạt trong đêm mùa hè phương Bắc. Chúng tôi ngắm nhìn những ngôi sao lạnh run rẩy. Đột nhiên như có một tiếng thở dài lan rất nhanh trên bầu trời. Một dòng ánh sáng bàng bạc tràn ngập khắp nơi, có cảm giác như bình minh đang vội vàng đến thay thế hoàng hôn

Rời nước nga từ sân bay Domodedovo (Moskva), chúng tôi không gặp lại gã nhân viên sân bay đáng ghét. Chắc gã đã bị đuổi việc. Đất nước vĩ đại như Nga làm sao chứa chấp loại người như vậy. Dẫu có thế nào trong lòng chúng tôi tình yêu nước Nga vẫn sống.

Đăng trên Lao động ngày 2/8/2013
Link Facebook