22 thg 9, 2013

Cánh tay nối dài cho sự lạm thu

Tháng 10 chưa cười đã tối. Với một thành phố chưa có cuộc sống về đêm, thì 23 giờ là lúc thần giấc ngủ đến mọi nhà. Thình lình điện thoại nhà tôi réo như tiếng chuông báo cháy.

Giọng cô cháu ở đầu dây bên kia: “Ông ơi! Ngày mai ông đi họp lớp cho cháu nội ông hộ con với nhé!”. Tôi “ừ” hờ hững. Dường như nhận được suy nghĩ của tôi, giọng nói chuyển sang van vỉ: “Ông không phải làm gì đâu, họp để đóng tiền đầu năm thôi mà. Ông không được nói cái gì đâu nhé. Nói là chết cháu ông đấy!”. Trời ơi! Đi họp phụ huynh học sinh bây giờ nguy hiểm thế ư?

Vì những học sinh đáng yêu, cha mẹ sẵn sàng làm mọi thứ (ảnh minh họa)
Vì những học sinh đáng yêu, cha mẹ sẵn sàng làm mọi thứ (ảnh minh họa)

Ký khống sự tự nguyện

T.H là trường tiểu học nổi tiếng Hải Phòng. Lớp 2X1 nằm trên tầng 2. Tôi thấy mình như Gulliver lạc đến nước tí hon khi ngồi vào ghế các cháu. Nhưng tôi được trả về ngay hiện thực, vì trước mắt tôi là một tấm bảng ghi những dòng chữ rắn rỏi các khoản nhà trường thu của phụ huynh học sinh rõ nét đến từng dấu phẩy. Cô giáo chủ nhiệm xuất hiện với một nụ cười thân thiện. Cô có gương mặt thanh tú dễ đăng trên các bìa báo.

Giọng cô thật là âu yếm khi nói về vài học trò của mình (sau tôi mới biết đấy là con của các vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh – BĐDCMHS), rồi cô nhanh chóng chuyển sang đề tài phải XHH giáo dục. Cô nói rất dài, khiến đầu óc tôi mụ mị đi vì từ ngữ. Chỉ biết số tiền từ miệng cô giáo rơi tõm xuống tâm hồn tôi nặng như một khối bê-tông. Còn người đàn bà ngồi bên cạnh tôi mắt mở trừng trừng và thở phì phì như đang lên cơn hen suyễn.

Tuổi già đồng nghĩa với chỗ nào cũng có thể ngủ gật. Bỗng có người đánh thức tôi. Cô gái ngồi bàn trước tôi (trong BĐDCMHS) bóng lộn như một tờ giấy bạc mới bóc tem, ấn vào tay tôi một tờ giấy bảo tôi ký. Tôi thấy tờ giấy ghi tên cha mẹ học sinh, có chữ ký của nhiều người, nhưng còn ký về cái gì thì không thấy có. Tôi từ chối ký. “Tờ giấy bạc” rất ngạc nhiên, cô giật tờ giấy từ trên tay tôi đưa sang cho người ngồi sau. Chị này ký xong, “tờ giấy bạc” lại nhìn tôi đắc thắng, như nói: “Thấy chưa! Ông chỉ lo lắng hão huyền như chó giữ xương”. Tôi không chấp cô, vì ở tuổi già, ngoài mối quan tâm đến sự hoạt động và sự cân bằng tạm bợ của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể, tôi chẳng giữ lâu cả niềm vui lẫn bực bội.

Đến đây cô chủ nhiệm lớp đề nghị chúng tôi bầu ra BĐDCMHS mới. Cô đúng là người nhanh nhẹn, thay luôn chúng tôi đề nghị BĐDCMHS cũ tiếp tục làm việc. Trưởng BĐDCMHS bắt đầu bằng việc kể lể công lao, gian khó của cô chủ nhiệm vì con em của chúng tôi, trước khi vào vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất: Đóng quỹ lớp - một thứ quỹ tự nguyện để mua thiết bị học tập, mua quà tặng các thầy, cô nhân ngày nhà giáo, ngày tết,... Một sự im lặng căng thẳng chờ đợi cô đại diện đưa ra một con số bổ vào đầu người.

Từ ngay bàn đầu, một vị phụ huynh bật dậy, nghe rõ những tiếng lanh canh của kim loại quý chạm nhau. Số vòng nhẫn mà chị đeo trên người đáng giá cả trăm triệu đồng. “Chị trưởng ban cứ quyết đi, bao nhiêu em cũng OK! Thôi 600.000 đồng kỳ 1 đi! Dư dả cho các chị dễ làm việc”. Tôi nghe thấy có tiếng răng giả nghiến kèn kẹt của vị phụ huynh lên cơn hen suyễn. Không một ai dám ho he, họ nhìn trộm nhau trước ý chí làm vui lòng cô giáo của BĐDCMHS và trước sự hiện diện của chính cô đang ngồi đó với nụ cười thỏa mãn.

Cô nói cảm ơn mọi người và tuyên bố sự tự nguyện cùng đồng thuận của 100% phụ huynh học sinh lớp 2X1 sẽ được viết vào biên bản nộp lên nhà trường. Trời ơi! Té ra là BĐDCMHS đã bắt chúng tôi phải ký khống vào biên bản trước khi nội dung của nó được chúng tôi biết, đồng thuận và tự nguyện!

Dù ngay từ đầu tôi đã thầm hứa treo lưỡi mình lên, rồi tôi lại trót đứng dậy phát biểu phê phán thái độ thiếu tôn trọng các phụ huynh của BĐDCMHS và cô chủ nhiệm. Họ không ngờ tới một sự phạm thượng như thế. Một chị trong BĐDCMHS mép lủng lẳng một nụ cười khó chịu, kéo tay áo tôi: “Ông già biết gì mà nói!”.

Khi tôi nói tôi là một nhà báo có biết nội dung Điều lệ BĐDCMHS được ban hành theo Quyết định số 11 ngày 28.3.2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, thì ngay lúc đó tôi nhận thấy những vẻ mặt ngỡ ngàng. Chắc chắn đa số phụ huynh ở lớp không biết đến sự tồn tại của bản điều lệ mà lẽ ra cô giáo và BĐDCMHS phải phổ biến cho họ biết, chưa kể nội dung của những văn bản gần đây từ Bộ GDĐT chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở trong nhà trường. Ví dụ, chỉ thị cấm thu tiền của CMHS để làm quà tặng giáo viên những ngày 20.11, ngày tết,... Hãy để CMHS tự mình thể hiện tình cảm của họ.

Tình cảm là thứ không cần làm hộ! Hơn nữa, “của người phúc ta” là cách hành xử ích kỷ. Trước những sai lầm rõ ràng của mình, cô giáo và BĐDCMHS đến xin lỗi tôi, hẳn vì tôi là nhà báo. Chỉ hiềm nụ cười của cô trưởng ban giống như váng mỡ lạnh nổi trên mặt chất lỏng, còn cái bắt tay của cô chủ nhiệm thì lạnh như tay của người đã chết 1 tuần. Ngay tối hôm đó, cháu tôi nhận được điện thoại từ cô trưởng BĐDCMHS. Cô trách: “Đã nói đi họp phải là phụ huynh, sao để ông đi, mà lại còn là ông họ làm báo!”.

Cả một giàn bè phụ họa

Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động của BĐDCMHS” các trường 3 quận TP.Hải Phòng được tổ chức rất vui vẻ. Khá nhiều người là giám đốc doanh nghiệp, cán bộ công an, quân đội. Họ là “thủ lĩnh” đại diện của hàng chục ngàn CMHS trong quận. Họ đã chứng tỏ điều đó. Các bài tham luận của nhiều vị trưởng BĐDCMHS trường được chuẩn bị rất công phu với minh hoạ bằng những video-clip.

Họ nói họ làm được rất nhiều việc: Phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện cho học sinh, bồi dưỡng khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh kém, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bỏ học,... tôi nghe giống hệt như trích dẫn ra từ Điều lệ BĐDCMHS của Bộ GDĐT.

Đúng là có được đi họp mới được mở rộng tầm mắt. Tham luận của BĐDCMHS trường THCS V.T.S với tiêu đề “Bàn về việc dạy thêm, học thêm” rất kích thích tôi. Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi vị này bảo vệ việc dạy thêm, học thêm bằng lời nhận xét kinh dị: “Các nhà bác học đều là những người học nhiều, chứ chưa hẳn là thông minh! Do đó con cái chúng ta phải đi học thêm!”. Một tràng vỗ tay nổi lên. Còn vị trưởng BĐDCMHS trường THCS N.B.N thì cho rằng: “Cần học thêm vì con cái chúng ta bị mất cơ bản ngay từ tiểu học”. Tôi quay sang hỏi cô hiệu trưởng trường tiểu học M.K: “Tại sao tiểu học bị rỗng?”.

Cô hóm hỉnh đáp: “Tại cháu bị mất kiến thức cơ bản ngay từ mầm non”. Nếu tôi có hỏi “tại sao” với cô hiệu trưởng mầm non, thì chắc cô sẽ trả lời: “Tại bố mẹ các cháu rỗng!”. Trưởng BĐDCMHS trường N.B.N còn nói: “Nhờ có học thêm, con cái chúng ta học giỏi lên rồi!”. Nếu thế, cứ theo logic của ông thì các giáo viên cấp 3 (THPT) không cần phải dạy thêm nữa. Tôi kể chuyện này với thầy T dạy THPT, người nổi tiếng trong “CLB nhà giáo 100 triệu”. Thầy cười hề hề: “Bọn nào mà nó giỏi thế. Chúng tôi đã thất nghiệp đâu”.

Có điều lạ là hơn 30 bài tham luận của BĐDCMHS gần 30 trường nằm trong 3 quận Hải Phòng không có bài nào bàn về vấn đề lạm thu (đã lên đến tận diễn đàn Quốc hội, ngập tràn trong các trang Internet, xuống các quán nước vỉa hè) - lý do chính đáng duy nhất để tổ chức những hội thảo thế này.

Có phải vì trường nào cũng lạm thu? Tôi không hiểu nổi vài vị hiệu trưởng tại sao lại “rất lấy làm vui mừng” khi chọn được những ông TGĐ các DN lớn (những người có quỹ thời gian rất nghèo cho các công việc ngoài luồng của họ) làm trưởng BĐDCMHS trường nếu sự lựa chọn này không mang mùi tiền bạc.

Câu bào chữa cửa miệng của hầu hết hiệu trưởng các trường bị chúng tôi phát hiện sự lạm thu là “đã được sự thỏa thuận (cả sự thỏa thuận đã bị ký khống) của BĐDCMHS”. Đúng rồi! Đơn giản vì BĐDCMHS chính là cánh tay robot nối dài của BGH nhà trường. Có thể khẳng định một điều, các BĐDCMHS trường ở nội thành Hải Phòng gần như không làm đúng những quy định trong Điều lệ BĐDCMHS của Bộ GDĐT. Họ sẵn sàng chiều theo ý hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp. Họ sẽ được cái gì ư? Một cháu mầm non 4 tuổi nói với mẹ rằng: “Bạn H có mẹ họp với cô giáo (trong BĐDCMHS - NV) nên bạn toàn được nằm quạt và gần cửa sổ!” - một ví dụ rất nhỏ thôi!

Link Facebook