4 thg 11, 2013

Hải Phòng chờ đợi

10 năm về trước, người Hải Phòng không hề băn khoăn về chỗ đứng của thành phố mình. “Hải Phòng – thành phố thứ mấy?” - họ sẽ cười vào mũi ai đặt câu hỏi đó. Họ nghĩ, đương nhiên Hải Phòng là thành phố đứng thứ ba trong cả nước!

Thế mà giờ đây, giữa người Hải Phòng có lẽ ít có câu hỏi nghiêm túc, nhiều lần làm chia rẽ đám bạn bè, biến những cuộc vui thành trận cãi vã như chính câu ấy: “Hải Phòng – thành phố thứ mấy?”. Tôi thấy trong quán nhậu Hổ đồng bằng, 2 công dân của thành phố đã rút… đũa ra đâm nhau, rủa nhau là “Uống nước ao không chết!”, chỉ vì không thống nhất được với nhau ở câu trả lời bằng con số 3 hay 4 hay 5? “Hải Phòng – thành phố thứ mấy?” - tôi cũng 2 lần đặt câu hỏi ấy lên bàn giấy ông Đào An – cốt là muốn vị “Thị trưởng” thành phố Hải Phòng có thời gian để suy ngẫm (dù ông được tiếng là phản ứng nhanh) – và ông đã rất khôn khéo đá quả bóng khỏi chân mình: “Hải Phòng thành phố thứ mấy là do Trung ương và các tỉnh bạn đánh giá, chứ Hải phòng không tự phong.” Tôi là phóng viên thường trú (không được “thường trốn” Hải Phòng) nên chẳng biết các tỉnh bạn nghĩ gì về thành phố của chúng tôi. Thôi thì để người Hải Phòng tự đo đạc mình, dẫu những cuộc cân đo ấy chẳng phải bao giờ cũng kết thúc bằng vui vẻ!

Nhà hát lớn Hải Phòng

Chiến thắng trên bờ biển

Tôi cho ca sĩ HĐ là một người Hải Phòng rất chân chính. Chúng tôi ngồi quán Gió Nam, ngắm biển Đồ Sơn màu sôcôla và ăn mực tươi, tôm sống. Rượu ngon, bạn hiền, mà đầy bụng nuốt không vào. Tại tôi! Tôi ân hận đã bỏ lỡ dịp học lớp karaté cấp tốc ở Cung văn hóa Thiếu nhi thành phố, chứ không tôi dám đá vào… chân của thằng cha ngồi bàn bên cạnh. Hắn ngồi với một cô gái, hào hứng kể về những miền đất hắn đi qua với tất cả sự nhiệt tình dễ dãi.

Thế nhưng khi dốc cạn chai Bordeaux thứ 2, ma men xúi bẩy thằng cha bắt đầu nói lảm nhảm về mảnh đất mà hắn đang ngồi. Hải Phòng đi qua mắt hắn từ những con đường nội thành lổn nhổn, rách vá đến hồ Quần Ngựa như cái ao tù nổi mùi hôi thối. Từ cái Khách sạn Phong Lan 4 sao trên giấy, động thổ 2 năm rồi chưa động đậy, đến cái sân bay “hành” khách Kiến An, ra khỏi nhà ga mới thấy nụ cười. Hắn kêu về Hải Phòng đồng hồ của hắn chạy chậm lại, thời gian như bị níu kéo bởi rất nhiều kẻ vô công rồi nghề, ngồi vật vờ trong các quán ven đường và nguyền rủa đám kẻ cắp cạnh Nhà Hát Lớn chẳng tha cả người đi đưa đám ma! Hắn ví chợ Sắt như cái bánh kem bị ăn vụng mất một nửa! Tôi công nhận hắn có hạ giọng xuống khi nói về Sông Tam Bạc - đoạn sông với những nhà cổ, lô nhô mang bao khát vọng để đời của những tác phẩm hội họa - giờ như cái cống nước thải khổng lồ. Hắn thề đã lê rạc chân phố phường chẳng mua được cái gì “made in Hải Phòng” ra trò, ngoài thuốc lá “gold”, quạt điện Phong Lan và Sơn tàu biển Hải Phòng. “Buồn lắm!” - Hắn than: “10 giờ tối đã đóng cửa đi ngủ. Cả thành phố không có một tụ điểm ca nhạc ngoài trời. Đi chơi đêm thì…” Hắn chìa cổ hắn cho cô “bồ” sờ cái sẹo có từ tối hôm xem trận chung kết “Giải bóng bàn Báo Nhân Dân” vì mảnh kính vỡ bắn trúng – kết quả của trận tấn công bằng đá của “người hâm mộ” vào Nhà thi đấu Thể thao Hải Phòng!

Hắn đang tiến dần đến mức nguy hiểm khi riễu ca sĩ Hải Phòng là những cái “Cổ họng vàng”! Đến khi cái mồm đầy ốc hương ấy bỗng gí vào cổ áo rộng của cô gái hát rống lên: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…”, thì giọt nước đã làm tràn cốc nước! Lập tức hắn nằm lăn trên mặt đất vì dính đòn dưới gầm bàn của chàng ca sĩ Hải Phòng – người không chỉ có cái “Cổ họng vàng”, mà còn có “Đôi cẳng vàng” của một võ sư thượng thặng! Chúng tôi âm ỉ… sướng! Nhìn xung quanh: Đám đông du khách vẫn lặng lẽ ngồi nhìn biển. Họ nghĩ gì về Hải Phòng – thành phố của tôi, mà sao trông như họ buồn? Tôi bỗng hiểu rằng chiến thắng bằng đá gầm bàn vì danh dự của thành phố vừa rồi chỉ là sự bùng nổ của tâm lý bất lực, “một cơn bão trong cốc nước”, thế thôi!.

Tại sao chúng tôi không thể “đè bẹp” hắn bằng những tòa nhà cao chọc trời, biểu tượng cho hiện đại và phát triển của thành phố mình? Tại sao không thể làm hắn im lặng bằng cho hắn nghe âm nhạc của một thành phố có đẳng cấp văn hóa cao? Tại sao chúng tôi không thể chiến thắng ác cảm của hắn bằng một nụ cười buổi chiều của cô gái đứng bên hồ Tam Bạc hơn là bằng một cú đá dưới gầm bàn? Tiếc thay, Hải Phòng không có những tòa nhà cao chọc trời, không có đến một dàn nhạc thính phòng, thậm chí một ban nhạc nhẹ thực thụ, và chỉ có người lao động lam lũ buổi chiều đứng bán nước mía và quần áo cũ bên hồ Tam Bạc (Chẳng ai dám có một chút mơ màng, phải rất cảnh giác để phát hiện xe cảnh sát trật tự từ xa, còn kịp ôm hàng mà chạy!).

Hồ Tam Bạc

Thành phố với những nụ cười

Trên đường về, một chiếc xe lam chở hàng quá nặng, bị lệch đổ lăn ra đường. Chúng tôi lại nhớ gã béo, hắn cũng đổ lăn ra đất vì nhìn quá nặng về một Hải Phòng buồn tẻ, trì trệ. Trong chúng tôi bỗng nổi lên một cuộc tranh luận. Ai cũng cố chứng minh rằng vẫn có đấy một Hải Phòng Tươi Cười, một Hải Phòng không buồn tẻ như trong đôi mắt xét nét nghiêm khắc kẻ bi quan kia! “Biết tuốt” – Biệt danh một kỹ sư Viện Thiết kế - dẫn ra một loạt con số thống kê Hải Phòng 6 tháng đầu năm 96: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 10,1%. Toàn thành phố có 49 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 891,6 triệu USD. 2,526 triệu tấn hàng hóa đã đi qua Cảng Hải Phòng. Tổng thu ngân sách nhà nước 362,5 tỷ đồng… Những con số phần trăm đó làm chúng tôi mệt, làm sao bằng một Hải Phòng trực giác, nhìn thấy được, cảm nhận được!

“Ngày xưa, La Mã đã chinh phục được Hy Lạp bằng gươm giáo, để rồi vẫn bị Hy Lạp chinh phục lại bằng văn hóa! Sức mạnh nằm trong Văn Hóa. Trong Văn Hóa có Nụ Cười! Nếu muốn thấy Hải Phòng “ Cười”, ông hãy ra đường nhìn gương mặt các cô gái! Phụ nữ họ trung thực hơn nam giới”. Tôi không ngờ ông hàng xóm, người nhiều lần bị vợ đuổi khỏi nhà, triết lý lãng mạn và nhận định hay như vậy.

Ông T. cán bộ Bảo tàng hờ hững: “Tôi chẳng ra đường cũng biết hình ảnh cô gái Hải Phòng: Quần bò, áo phông, đi xe máy phóng ào ào, xịch đỗ bên đường, ghếch một chân lên vỉa hè, gọi cốc bia hơi uống một hơi cạn, móc tiền thả vào lòng cốc đưa trả, xong là vù xe đi thẳng!”. Đúng là chuyên gia phục chế đồ cổ! Bây giờ hình ảnh ấy quá “đát” rồi. Tôi gặp rất nhiều cô gái Hải Phòng có bằng đại học, xem máy vi tính như thứ đồ chơi, thích mặc váy, ăn chè bưởi. Họ thật là đẹp! Và Hải Phòng cũng đẹp hơn vì họ! Tôi bỗng phát hiện ra rằng, nếu bạn muốn được họ tặng theo một nụ cười, thì hãy khen họ (“Xinh quá” chẳng hạn) rồi đi. Đừng làm như tôi hôm ấy dừng lại, hỏi một cô gái vừa trong quán “Kem Vinamiu” ra: “Cô có suy nghĩ gì về thực trạng Môi Trường Hải Phòng? Cô đã nhìn tôi bằng cặp mắt rất nghi ngờ, rồi chỉ về phía ngược lại: “Lối kia đi về Đông Khê!” (Nơi có Bệnh viện Tâm thần).

Cảng Hải Phòng

Còn có một Hải Phòng tươi cười nữa ở đường Điện Biên Phủ, trong Khách sạn 11 tầng Hữu Nghị. Hôm khai trương 4 tầng đầu, cô bé bê bàn lóng ngóng đánh đổ cả đĩa “cá viên tuyết hoa” gì đó, rồi bảo chúng tôi, những thực khách mời, nhặt vào! Ba tháng sau thì tình thế thay đổi. Ở đây xuất hiện một dàn nhân viên nhiệt tình, lịch sự như Tây, và cô gái đứng quầy Bar có gương mặt quá khả ái, làm anh bạn báo Thương mại lãng đãng, đổ hết cả chai bia Tiger to vào một cái ly uống rượu! Bây giờ Hữu Nghị thu hút gần hết du khách “xịn” đến Hải Phòng: Ta, “Tây”, và “Tầu”. Giám đốc khách sạn có thể kể ra cả chục nguyên nhân dẫn đến thành công, còn tôi chỉ tâm đắc một: Hữu Nghị đã biết kinh doanh bằng cả nụ cười. Điều đơn giản mà các khách sạn Hải Phòng khác vẫn chưa làm nổi.

Đứng trên tầng thứ 11, giám đốc công ty Liên doanh taxi – Hải Phòng Transport, một người cũng thành công với phương châm: “Kinh doanh bằng cả nụ cười”, kể cho tôi nghe: Hải Phòng có 4 “Nữ tướng” nổi tiếng. Họ là lãnh đạo 4 Doanh nghiệp lớn, mỗi năm nộp cho ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng. Tôi biết một người - chị Lê Thành Lự giám đốc Tradimexco. Chị Lự có nụ cười thật biểu cảm. Tôi dám chắc rằng trong nhiều thương vụ thành công của Tradimexco có phần không nhỏ chính sách ngoại giao tươi cười của chị. Chị đã lột xác một Liên hiệp xã rệu rã, nợ như “Chúa Chổm” thành một công ty thương mại mạnh nhất nhì miền Duyên Hải, doanh số tính bằng đơn vị nghìn tỷ. Chị có sức làm việc thật đáng nể: Cái cảnh 11 giờ đêm từ Móng Cái về Hải Phòng, 2 giờ sáng lại lên xe đi Nội Bài để bay vào thành phố Hồ Chí Minh là chuyện thường tình. Chỉ tiếc bạn tôi cũng là nhân viên của chị, mà cô không chịu kiên trì áp dụng đường lối tươi cười, mỗi khi 12 giờ đêm đức lang quân mới được đám bạn thả ra từ quán nhậu về!

Nhiều người phụ nữ đặc biệt dị ứng với từ “quán nhậu”! Họ tưởng nó như cái mồm đầy răng nhọn há nuốt chửng ông chồng đáng thương của họ. Với tôi đấy là một cái “chợ” tin mua bán vô tư, không dùng đến tiền! Xin các bà, các chị yên tâm đi! Ở đấy người Hải phòng toàn bàn chuyện nghiêm túc: Kỳ này ai vào Trung ương chẳng hạn! Mọi sự kiện diễn ra ở thành phố ban ngày, buổi tối được đem bình luận ở đây (dĩ nhiên cả ở những nơi khác nữa): Từ chuyện người Hải Phòng dám bỏ ra 3 “vé” để cho con đỗ “Đại học chữ to” (lớp 1) trường ĐTH, đến chuyện năm nay trường Trần Phú đoạt 41 giải thi Quốc gia và có học sinh đoạt giải Nhất ở cuộc thi Toán Quốc Tế tại Ấn Độ. Từ chuyện sắp xây Cầu Bính bắc qua sông Cấm dài 1.700 m với gần 70 triệu USD, lớn nhất Hải Phòng và miền Duyên Hải, đến chuyện Nhà máy đóng tàu Sông Cấm dành được từ tay các nhà đóng tàu sừng sỏ Australia hợp đồng đóng tàu cao tốc cho Hải Quan chống buôn lậu trên biển. Người ta kháo nhau ông Nguyễn Gia Thảo, Tổng giám đốc Công ty Giày, làm sống lại cả ngành công nghiệp Giày Hải Phòng, hơn 15.000 người lao động có việc làm; Bà Phi Yến dám mạnh dạn cho nông dân vay tiền tỉ làm đầm nuôi trồng thuỷ sản. Họ khen 2 vị giám đốc C.Ty Cấp nước – Môi trường Đô thị có công xóa cho Hải Phòng cái tai tiếng “Thành phố Bẩn”, “Thành phố Khát”; Trưởng phường công an Dư Hàng trẻ và đẹp trai, thế mà giới anh chị khu Hồ Sen sợ im một phép… Đôi khi cũng có người kể chuyện Hải Phòng thời ông Đoàn Duy Thành!

Niềm trăn trở

Rất nhiều người Hải Phòng vẫn nghĩ rằng Hải Phòng đã có thời hoàng kim hồi ông Đoàn Duy Thành còn làm Bí thư Thành ủy. Ngày ấy, chính các tay chơi Hà Nội phải cất công xuống Hải Phòng cậy cục nhờ mua một bộ dàn âm thanh xịn của Nhật và các cô gái Sài Gòn theo tàu đi biển chở khách Thống Nhất vui vẻ đổ bộ xuống Hải Phòng tìm bạn hàng buôn bán. Hải Phòng thua Thành phố Hồ Chí Minh chỉ một ít sự nhộn nhịp kinh tế và kém Hà Nội chỉ một ít sự giàu có văn hóa! Ngày ấy Hải Phòng đúng là thành phố thứ 3. Bây giờ sau 2 giờ bay từ Tân Sơn Nhất lại đặt chân xuống sân bay Cát Bi, người Hải Phòng có cảm giác hẫng hụt như quay trở về quá khứ. Thành phố không có những dòng xe chạy hối hả hòa trong nhịp sống công nghiệp hiện đại, không có tốc độ xây dựng ào ạt thay đổi bộ mặt đô thị từng tháng, từng tuần. Rõ ràng, khoảng cách (không phải tính bằng km) giữa Hải Phòng và Hà Nội và T.P HCM đang ngày một xa. Hải Phòng không còn là một đối thủ mà Hà Nội và TP HCM cảm thấy hơi thở dồn dập của nó nóng bỏng ngay đằng sau gáy trong cuộc chạy đua phát triển. Chính điều đó làm người Hải Phòng buồn! Thành phố vẫn đang đi lên. Thế nhưng, họ không muốn Hải Phòng tiến từng bước. Họ muốn Hải Phòng phải chạy thật nhanh nếu Hải Phòng còn muốn đứng tại chỗ (Thành phố thứ 3). Người Hải Phòng đã nghe thấy hơi thở dồn dập của Đà Nẵng, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Họ hỏi: “Tại sao?” với lòng day dứt. Một khu chợ Sắt trống vắng, bốn bức tường cao bằng gỗ im ỉm rào chính trái tim Hải Phòng thay cho một cái khách sạn Phong Lan 4 “sao”; những liên doanh đã tồn tại nhiều năm trên… giấy và gây không ít dị nghị như Khu Chế Xuất… khiến người Hải Phòng nghi ngờ: Phải chăng đường lối phát triển kinh tế đối ngoại (Hải Phòng xác định như cái đòn xeo bật thành phố lên) cho đến nay không thành công như những con số đầy ấn tượng trong các bản báo cáo của Sở Kinh tế đối ngoại? Phải chăng Hải Phòng chưa có đường lối “chiêu hiền, đãi sĩ” tích cực, để còn có những nghệ sĩ chen chúc trong những “chuồng chim” tầng 5 hay sống dưới tầng nhà hầm của Rạp Cải Lương thành phố, để những người tài còn bỏ thành phố ra đi? TP HCM có bao nhiêu nhà giàu là gốc người Hải Phòng? Và ở Hà Nội có bao nhiêu tri thức là gốc người Hải Phòng? Những con số đó không ít! Người Hải Phòng có cá tính mạnh mẽ, năng động, nhạy cảm, thông minh, bề dày dân trí, trình độ tổ chức không sợ thua anh kém em (nhà báo C ở tỉnh Q trở về nói: Tôi thấy chánh văn phòng của Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng cầm máy bộ đàm tổ chức chỉ huy đâu đấy, cứ như Chủ tịch tỉnh tôi!). Đấy là tiềm năng sức mạnh vô giá của Hải Phòng trước mọi cuộc thách thức. Người Hải Phòng hiểu các nhà lãnh đạo Hải Phòng đang đứng trước những khó khăn khách quan buốt nhói. Nhưng có con đường nào đến vinh quang lại trải toàn thảm đỏ đâu? Vấn đề là nghiến răng mà vượt qua! Hải Phòng sắp bước vào thế kỷ mới với tập hợp các nhà lãnh đạo trẻ. Người Hải Phòng đang chờ đợi và hy vọng!

Hải Phòng xưa

Tôi sinh ra ở Hải Phòng trong một nhà hộ sinh trên phố Ga. Lớn lên học trường “Chéo”, trường “Trí tri”. Tình yêu đầu tiên đến với tôi dưới những bóng cây của vườn hoa Nhà kèn. Ngày 16.4.1972, B52 Mỹ rải bom thảm xuống Hải Phòng, tôi cầm câu liêm chữa cháy đứng dưới chân cầu Hạ Lý. Bây giờ tôi có một gia đình nhỏ ở phố Cát Dài. Các con tôi đã lớn lên. Chúng đòi về Hà Nội học, “dọa” sẽ ở lại Hà Nội làm việc. Hải Phòng ơi! Xin đừng giận tôi vì động đến những nỗi buồn của Người, cũng là của tôi! Xin lại thành nơi đất lành hơn xưa, để những người xa Hải Phòng lại trở về với Hải Phòng, để chẳng ai muốn đến lúc rời bỏ thành phố Hoa Phượng Đỏ. Tôi không muốn phải xa các con tôi, cũng không muốn phải xa Hải Phòng, Hải Phòng của tôi!