14 thg 8, 2013

Nhà thơ phường và Đồng Đức Bốn

Đang vội băng qua quảng trường trước Nhà hát Lớn thành phố thì bỗng nghe có tiếng gọi giật từ phía sau, ngoảnh lại thấy một gương mặt hớn hở phóng tới, tôi biết là gặp hạn rồi! Người gọi tôi là KT, nhà thơ của phường ĐH.

Một buổi gặp mặt cuối năm, vì tôi duy nhất là người chấp nhận rủi ro nghe anh đọc thơ giữa tiếng huyên náo đặc sản của những quán nhậu vỉa hè, thế nên, từ đó, anh thích đi tìm tôi để tặng thơ. Khổ nỗi, anh có thói quen vung tay đánh dấu câu vào không khí, có lần sau một bài thơ anh bị sái tay, còn tôi bị sái quai hàm. Bởi coi tôi là tri âm, nên anh dẫn tôi đến dự cuộc hội ngộ thơ mừng xuân của tao đàn phường.

Tao Đàn phường

Tôi ngạc nhiên vì nhận ra không ít người quen ở đây. Hóa ra bao nhiêu năm nay tôi đã bắt chân, bắt tay, uống bia, tán láo và đi xe ôm với nhiều nhà thơ mà vẫn không biết. Quả thật, tôi ngỡ ngàng với nhiều người, họ trong “đời thơ” rất khác với họ ở trong đời thường. Ngày thường, bà T. chẳng bao giờ diện đồ gì hở nhiều hơn cái cổ cả. Hôm nay bà khoác lên một tấm áo không phải để che mà để bày ra, đôi môi được tô ướt át như từng xuất hiện trong những câu thơ tình của Xuân Diệu, khiến cho người ta quên mất nguồn gốc trong trắng như bông hoa huệ trên cánh đồng làng của bà. Cô H, hàng xóm một thời của tôi, đàn ông trong ngõ thường thi vật tay với cô, bây giờ ngồi nhấm múi quít thong thả như một con chim rừng mưa nhiệt đới. Chủ soái Tao đàn, một người đàn ông có phong độ của một vị đại sứ, mở màn bằng một tuyên bố: “Con người chỉ cần có thức ăn cho thân xác và thơ ca cho tâm hồn!”. Sau đó, các nhà thơ lên đọc thơ của mình.

Tôi đến Tao đàn phường với nỗi lo của kẻ trần tục chưa bao giờ được sờ vào ngón tay út của nữ thần Thơ ca. Sau khi nghe những vần thơ đầu tiên, tôi đã thở phào nhẹ nhõm vì hiểu chỉ cần có sự hồn nhiên là đã có vé vào cửa Nàng thơ ở đây… Thơ Tao đàn phường êm tai, nhẹ nhàng băng qua trí nhớ như bóng mây trôi trước gió. Họ viết dễ dàng, chủ yếu bằng thơ lục bát và thơ Đường luật, về những cái đẹp giản dị như một vệt nắng đọng trong sân chùa, một bông hoa nhỏ nở trên mái ngói nhà cổ, cho đến những lời kêu gọi phải chống tham nhũng. Tâm hồn lãng mạn, trong sáng, nhân hậu của họ được bày trong thơ không hề dấu giếm. Tôi giật mình bởi ông S. người lái xe của Công ty mai táng có thể buồn bã đến thế vì một cánh hoa hồng héo rơi rụng trên bàn. Nghe thơ bà H. tôi tưởng tượng thấy bà đang đứng bên cửa sổ mơ màng với một làn mây kỳ diệu. Ông P. chắc chắn là người tử tế, khi ông viết những dòng thơ giận dữ về một kẻ có nhiều tiền hắt hủi chú bé đánh giày. Thống trị trong Tao đàn phường là bầu không khí thân ái. Người ta nghe thơ của nhau, ca tụng thơ nhau, có chê cũng rất tế nhị. Giữa các câu thơ là chuyện vợ chồng, con cháu, chuyện các bài thuốc gia truyền chữa cao huyết áp, chữa đau xương cốt,…


Dẫu chẳng có nhiều tài năng như những nhà thơ quốc gia, các thi nhân phường không thua kém họ ở tình yêu thơ mãnh liệt. Tôi biết nhà thơ Q.H ở phường V.Đ và hiểu vì sao ông đã 3 lần li dị. Chẳng bà vợ nào chịu được cái cảnh tối nao ông cũng mang theo “nàng thơ” lên giường ngủ cùng với mình. Người vợ thứ tư tỉnh táo hơn nhiều. Bà biết có một ông chồng mê thơ như vậy “an toàn” còn hơn đem vàng gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ. Không cờ bạc, không rượu chè, ông sẽ chẳng mang tiền nhà đi cho bà nào, trừ việc in những tập thơ gồm toàn các bài giống nhau như những chú lính trong đoàn diễu hành. Tôi đã đọc một tập thơ của ông. Nó hấp dẫn như một cuốn danh bạ điện thoại. Thế nhưng, ông rất hài lòng. Đi đâu, dưới nách ông cũng cắp vài tập thơ. Thậm chí khi gặp ăn mày xin tiền, ông cũng rút thơ ra tặng.

Làm thơ là một thú vui tao nhã, sang trọng, rẻ tiền và cũng vô hại. Chưa có con số thống kê ở Hải Phòng có bao nhiêu người đang làm thơ. Chắc chắn con số này ngày càng lớn. Thật ngạc nhiên khi một số người nghĩ thơ là độc quyền của họ, thơ như đồ thờ chỉ các tư tế - nhà thơ quốc gia - mới được chạm vào. Họ kêu: “Thơ đang lạm phát! Các nhà thơ phường làm ô nhiễm môi trường thơ!”. Xin hãy yên tâm, thơ phường không thể leo lên thi đàn quốc gia, nước sông không phạm nước giếng. Trong thời đại dân chủ hóa cao độ, thơ ca không chỉ của riêng tầng lớp mũ cao áo dài chọn lọc. Thơ của nhân dân, ai cũng có quyền làm thơ, nhất là khi thơ đem lại niềm vui, thơ như hồ nước để người làm thơ tắm rửa và làm tươi mát tâm hồn của mình.

Có người như anh T.K. thơ là cứu cánh. Anh tìm đến thơ vì khi ở nhà cứ nói là bị bà vợ cắt lời. Đôi khi thơ làm thay đổi cuộc đời. Chồng bỏ năm 30 tuổi, chị B. chẳng còn hứng thú gì khác ngoài xuống nhà bếp. Thế là đền cho việc bị mất chồng chị tăng thêm được 10 cân. Thơ đã lôi chị khỏi chìm vào trong thế giới trốn đời u ám. Chị chăm chỉ đến các buổi sinh hoạt của Tao đàn thơ, viết nhiều bài thơ ca ngợi đủ điều, trừ phép chính tả (là người Hải Phòng chị vẫn lẫn lộn giữa l và n. Điều đó chẳng cản được thơ làm cho đôi mắt lờ đờ hoang vắng của chị trở lại lóng lánh như than cháy trong bếp lửa. Bây giờ chị nói luôn mồm, chân đi như đang khiêu vũ. Người tìm đến chị cầu thân nhiều như lính canh đổi gác. Điều quan trọng nhất là thơ biến chị thành người biết tha thứ những lỗi lầm. Vợ chồng chị lại đoàn tụ.

Đồng Đức Bốn là người trời?

Nhà thơ hiện đại Hải Phòng không nổi tiếng bằng các cổ động viên bóng đá Hải Phòng, mặc dù họ là các tên tuổi trên thi đàn quốc gia: Thanh Tùng, Thi Hoàng, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn,… Theo tôi, chẳng ai bằng Đồng Đức Bốn. Nhiều người vẫn nói đời sống văn hóa ở TP Hoa phượng đỏ buồn đi đến tận bây giờ từ sau cái chết của ông.

Nhà thơ Đồng Đức Bốn

Ông sinh vào năm Mậu Tý (1948) ở làng Moi, xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng, mất năm 2007 tại chính quê nhà. Tôi biết tên Đồng Đức Bốn vào năm 1992, khi ông ra mắt tập thơ Con ngựa trắng và rừng cỏ đắng. Một cô bạn là nhà thơ nói với tôi: “Về Hải Phòng hãy đến gặp Đồng Đức Bốn!”. Thú thật, tôi không đánh giá cao tài năng của cô bạn, nên không tìm, cũng không đọc thơ Đồng Đức Bốn. Hôm Đồng Đức Bốn cùng với nhạc sĩ Duy Thái đến gặp tôi rủ đi nhậu, tôi rất thất vọng thấy một thằng cha dở quê dở tỉnh, ăn nói thô lỗ như phu khuân vác bến tàu. Nhưng khi Đồng Đức Bốn bắt đầu đọc: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng, rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều…” thì một Đồng Đức Bốn – nhà thơ khác hoàn toàn hiện lên, chiếm lĩnh tâm hồn chúng tôi. Thơ ông hay đến run người. Khác Hải Đồ cổ chỉ chinh phục được những cái đầu lớn bằng chính tài năng đặc sắc của mình, Đồng Đức Bốn chinh phục được tất cả, miễn là người ấy thích thơ: Từ một ngài Ủy viên bộ chính trị tới những ông tướng công an, từ một vị thứ trưởng bộ Giáo dục tới các cô giáo Mầm non, từ TGĐ một Tập đoàn kinh tế lớn đến những nhà thơ cao ngạo chỉ phục có thơ của mình,… Đồng Đức Bốn có 100 bài thơ thuộc loại tài tử vô địch. Thơ của ông không bí hiểm bắt người ta phải đau đầu giải mã như giải câu đố của con nhân sư Ai Cập. Ông là một thiên tài thơ lục bát, dân gian mà vẫn sang trọng, dễ hiểu nhưng lại sâu sắc, tự nhiên song rất trí tuệ. Cái chính là những bài thơ, giống âm nhạc, ngay lập tức bắt con người phải hút theo sức mạnh ma thuật của nó, bị nó ám ảnh. 50 bài thơ hay nhất của ông đã được phổ nhạc, song chẳng có nhạc sĩ nào thành công. Tôi không giải thích được hiện tượng này.

Ngay Đồng Đức Bốn, như một hiện tượng, tôi cũng không giải thích được, trừ khi tin vào chính lời ông nói: “Trời cho một chút lộc thơ”, hoặc lời vợ ông: “Anh Bốn ấy là người Trời!”. Có rất nhiều người hâm mộ thơ ông đến khi gặp ông đều ngỡ ngàng hỏi: “Đây có thật là Đồng Đức Bốn không?”. Bởi giữa ông và thơ ông có sự khác biệt nhau quá: Thơ ông duyên dáng nhưng tính tình ông hoang dại, ông nói tục thành quen mồm. Thơ của ông buồn, nỗi buồn được cài đặt sẵn trong con người ông từ khi ra đời, ông nói, song ngoài mặt ông hể hả, ông nói to và ăn khỏe. Thơ ông tinh tế nhưng thị hiếu ông rất tồi. Con người ông có một sự ly dị bẩm sinh với các kiểu loại thời trang. Quần áo mới ông mặc vào mà sao trông cứ nhàu nhĩ như bộ của một tay chơi phố huyện mặc sáng Chủ nhật. Trên bàn làm việc của ông Lão Tử ngồi cạnh Heghen, Napoleon đứng dưới một cây quạt tầu. Ông, một lãng tử ngang tàng, viết những bài thơ đạt tới sự thiền. Ông ý thức được sức mạnh thơ ca của mình nên thơ ông thì trong sáng, lãng mạn còn ông thì lại thực tế vô cùng. Một lần gặp nhau ngoài đường, ông vén tay áo chỉ vào 2 cái đồng hồ: “Cái này hai ngàn (USD), cái này ngàn tám (USD)!”. Hai chiếc đồng hồ to tướng trượt quá xa ranh giới của thị hiếu tinh tế để lăn xuống cái dốc của sự khoe của. Tôi đùa: “Nhà thơ sao không khoe thơ, đi khoe đồng hồ ?”. Ông đáp: “Thơ lúc đ. nào cũng có, đồng hồ thế này bây giờ mới có!”. Nhưng ông cũng hiểu thơ mới là đồ trang sức quí giá của mình. Toàn bộ giá trị của Đồng Đức Bốn nằm hết trong thơ. Giống như con cá khi bị lôi khỏi mặt nước sẽ mất hết vẻ óng ánh của nó, nếu lôi Đồng Đức Bốn ra khỏi thơ, ông sẽ chỉ còn là cái bóng của chính mình. Nhờ thơ, ông thường xuyên được nhận quà, song cũng đem cho không ít. Khi bị bệnh nặng, gặp mấy nhà thơ từ Hà Nội xuống, ông vẫn vung tay: “Tặng mỗi thằng bạn một ông tóc quăn (tờ 100 USD)”. Đồng Đức Bốn thường nói rằng ông có thời gian rất nghèo, cửa sổ nhà không chấn song. Có gì đâu để mà mất! Có lẽ ông bị mặc cảm với nỗi nhục nhã do sự nghèo hèn nên khi có tiền, có danh, ông thích hoành tráng. Ông xây nhà to. Nhà ông chứa chất chồng đống đủ thứ ông thu hoạch được. Mỗi lần nhà thơ, ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Khoa Điềm, xuống chơi với Đồng Đức Bốn – bạn thơ là ông đi khoe khắp nơi, ông gọi cả cho lãnh đạo thành phố. Ông thường dặn tôi: “Đến chơi với bạn phải đi ô tô, không có thì thuê taxi, tiền để Bốn trả!”

Đang khi ông có mọi thứ trên đời: Tiền tài, danh vọng, thì những tế bào ung thư phát tác. Giữa lúc hạ quan tài ông xuống mộ, một trận mưa rào bất ngờ đổ xuống, xong lại tạnh ngay. Câu thơ cuối cùng của ông viết trên giường bệnh phải chăng là lời tiên tri: “Tôi giờ về với trăng sao, xin Trời một trận mưa rào đón tôi”. Đồng Đức Bốn là người Trời?

Link Facebook