30 thg 8, 2013

Đời viễn dương (2)

Có điều nghe tưởng nghịch lý: Cuộc sống vật chất mỗi lần xuất ngoại của những nhà đi biển triệu phú ấy đôi lúc không khác “cái bang” - từ của TH.- Điện trưởng tàu V. Nhịn ăn cái bắp ngô Nhật, có thể mua thêm bộ quần áo cũ về nước cho thằng em mặc đi gặp người yêu.

Do đó, đi ra nước ngoài, họ bóp miệng tới từng cent để dành mua đồ. Các cô hầu bàn xinh xắn đang nhiệt tình rót bia rượu, bưng bê đặc sản cho chàng thủy thủ đập phá ở các bến cảng Việt Nam làm sao ngờ rằng thượng đế của họ mới vài hôm trước đã phải chia nhau từng can nước ngọt sinh hoạt và thèm khát khi vớ được một mớ rau xanh, một mình ngồi ăn ngon lành như... thỏ! K.- quản trị tàu - nói: “Khổ nhất là gặp 1 ông bếp tàu “4C” (con cháu các cụ) nghề ngỗng lùn tịt, lại mới thấy biển đã say, cho xơi toàn bánh mỳ khô.

Thế nhưng điều bất hạnh nhất của người đi biển: Không phải bao giờ hạnh phúc cũng đến với họ nhiều như tiền bạc. Quan niệm về một lối sống vật chất cực đoan của nhiều thuyền viên đã làm bùng nổ những tấn bi kịch gia đình. M.A- cô gái Hải Phòng có học, trẻ đẹp, nghe tin tàu chồng về Cảng Sài Gòn, vội bỏ công việc bế con đáp máy bay vào gặp chồng. Đêm đầu tiên trong khách sạn, A kể với bạn: “Anh ấy không hỏi tao sống thế nào, chỉ thắc mắc mãi sao giá vàng lên nhanh thế. Xong rồi là lăn ra ngủ!”, không biết những giọt nước mắt tủi thân lặng lẽ của vợ. Cô bạn đã an ủi A bằng cách dẫn ra nhiều gương gia đình thuyền viên quan hệ vợ chồng, cha con, anh em bị đồng tiền chen xấn xổ vào giữa, dẫn đến vợ chồng li thân, anh em từ bỏ, bố con bất hòa. P- một thanh niên gốc nông thôn cởi mở, chất phác, chỉ sau chục chuyến đi tàu đã xây nhà cao cổng kín, rồi nhốt chặt luôn bố mẹ, vợ con, cả tâm hồn mình, cách ly với hàng xóm và bạn bè. Suốt 3 năm học cấp I, thằng con của P. không bao giờ dám dẫn bạn vào nhà, vì bố nó sợ mất của.

Thằng bé không thể hiểu rằng để có cái nhà 3 tầng tường phủ dây leo, bố nó đã qua bao nhiêu cửa ải. Đầu tiên là giấu tiền, vàng xuống tàu. P. đã cho “đô” vào bao cao su rồi nuốt! Khi tàu cập bến nước ngoài P. “ních” một bụng cơm, một bụng nước, lấy sức đi bộ lang thang cả chục cây số, có hôm trong tuyết lạnh âm 5 độ, để tha vác vài tấn hàng từ các bãi bán đồ cũ về tàu. Đến giờ P. vẫn ngạc nhiên sao có thể cõng cái tủ lạnh như con kiến tha hạt gạo leo lên cái thang dây đung đưa trên tàu!

Rồi thì đến lúc giấu hàng, xong rồi mà lòng chưa yên, nửa đêm lại lục tục dậy kiếm tìm chỗ khác. Có kẻ giấu kỹ đến mức quên giấu ở đâu! Tàu càng gần nhà, thần kinh càng căng: Hải quan làm chặt hay lỏng? Bạn đã nhìn thấy đàn ông khóc bao giờ chưa? Tàu H. vào gần lãnh hải Việt Nam, nhận được điện nhà: “Bến động!” Vất hết hàng hóa buôn lậu xuống biển! Hôm ấy có nhiều đàn ông đã khóc.

Chuyến nào hàng thoát lên bờ, sau khi bị vặt từ trên tàu xuống cổng cảng, P. lại ngập mặt vào bán lấy tiền, mua “đỏ” (tiếng lóng chỉ vàng), mua “xanh” (đôla). Vòng quay khởi lại từ đầu.

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Thủy thủ P. bị hải quan Hải Phòng khởi tố về tội buôn hàng lậu qua biên giới. Trước và sau P. là hàng chục thuyền viên khác phải hầu toà vì tội danh tương tự. Một vị thuyền trưởng từng trải cảm thán giữa cuộc gặp mặt bạn bè: “Sướng gì cái đời chúng tao: Tiền bạc, Tình bạc, Sóng bạc!”. S. chưa bao giờ được đi tàu, trông biết là “rách”, vặc lại: “Thì lên bờ đi! Ai bắt ông khổ!”.

Tiền bạc, Tình bạc, Sóng bạc


Đi tàu trở thành nghĩa vụ

Một sáng mùa đông, nhà tôi có khách. Đấy chính là anh bạn thợ may H. H. đến nhờ tôi nói hộ với xếp của H. cho H. không phải đi tàu.

Thời mở cửa với kinh tế thị trường nhanh chóng lật đổ tất cả giá trị vật chất đã làm xênh xang cho người thủy thủ. Chẳng còn ai trầm trồ nữa trước những ngôi nhà 3 tầng của “lính” viễn dương. Xây nhà cao nhất thành phố bây giờ là người trên bờ. Ngày nay, ăn nhiều mì chính người ta khuyến cáo có thể gây bệnh ung thư. Còn táo Tây thì bán đầy ngoài chợ cạnh gánh hàng rau. Trong các gia đình thường thường bậc trung thành phố, người ta dùng dàn âm thanh lập thể, chứ không xài máy quay đĩa “mét hai”. Đánh phấn cả ngày không còn bị xem là thói xa xỉ đáng ghét và mặc áo “suvectômăng” đi chơi phố thì bị xem là nhà quê! Xe Cub mất địa vị là tài sản độc quyền của dân tàu biển. Các kiểu Cty thương mại, nhập vào các kiểu ô tô đời mới, để mời mọc các kiểu người tiêu dùng. Cái thời hoàng kim tha lôi ào ạt hàng “Second- Hand” thượng vàng hạ cám từ nước ngoài về Việt Nam thu bộn tiền cũng chấm dứt, chẳng cần hoạt động ngăn chặn của công an và hải quan. Giấc mơ làm giàu bằng đường buôn lậu của nhiều thuyền viên tự động tan vỡ. Khi các cửa hàng ở những cảng biển nước ngoài không còn hấp lực mạnh mẽ như ngày xưa nữa, người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu đựng được thêm nỗi vất vả gian khổ của đời thủy thủ, đã thế lại còn nguy cơ gặp cướp biển Somali, hoặc những trận bão bẻ con tàu gãy làm đôi. Đi tàu trở thành nghĩa vụ.

Không được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tất cả các Cty tàu địa phương chết đuối. Đại gia như Vinalines thì cũng nửa chìm nửa nổi. Thuyền viên bị ném lên bờ, bị bỏ đói ở cảng biển nước ngoài. Một số khôn ngoan, nhanh chân đầu tư tiền của dành dụm kinh doanh nhà đất. Chính họ là kẻ đầu têu cho cơn sốt đất một dạo của Sài Gòn. Đa số còn lại bỗng thấy mình thành gà công nghiệp trên đất liền. Họ không có đủ tài năng, kiến thức để giữ vị trí ngày xưa của mình trong thang xã hội ngày nay. Khối kẻ đổi đời thành giàu, rồi lại về “mo”, kiếm cái xe ôm ra đứng đầu đường.

Ngày nay, Đời viễn dương không còn là đề tài bàn tán từ trong nhà ra ngoài phố, mà chỉ còn lại những kỷ niệm của một thời đã qua. Thời gian đã tẩy bỏ lớp vàng mạ (sản phẩm khác thường của một giai đoạn lịch sử) cuộc đời viễn dương, để nghề đi biển hiện ra đúng với bản chất của nó - một nghề nguy hiểmvất vả.

Thế nhưng, những người đi biển là một bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế quốc dân. Mỗi năm họ mang từ nước ngoài về hàng chục vạn tấn thuốc trừ sâu, phân hóa học, cho người nông dân chăm sóc mảnh ruộng của mình, hàng trăm vạn tấn sắt thép cho các công trình công nghiệp mọc lên trên khắp đất nước và họ lại đưa hàng triệu tấn gạo, than, dầu, nông sản, hải sản,... của Việt Nam ra nước ngoài, khẳng định chủ quyền quốc gia trên các vùng biển Việt nam. Bao giờ họ mới được hưởng đãi ngộ xứng đáng với những công sức của họ?

Đời viễn dương (1)
Link Facebook