29 thg 8, 2013

Đời viễn dương (1)

Trong làng Hàng hải Việt Nam, những người đi biển vì tình yêu biển rất hiếm. Đa số vì niềm khát vọng làm giàu. Chế độ bao cấp “gạo châu, củi quế” đã mở cho họ con đường thênh thang để hoàn thành giấc mơ đó.

Thế hệ ngày nay không được chứng kiến cảnh trong quán ăn, một “Vosco” mặt lạnh lùng móc trong túi ra cái lọ peneciline, cẩn thận rắc những hạt mì chính xuống bát phở, nghe rõ cả tiếng thở dài của vị thực khách ngồi bên, nên không thể hiểu câu ví: “Quí như là mì chính cánh!”. Thế mà T.T, một “Vosco” đi tàu S. khoe rằng: đã từng “đánh quả” từ Nhật Bản về 800 gói mì chính VESU, thắng 10 cây vàng. Ngày ấy vàng hiếm đến nỗi kẻ viết bài này hưởng lương kỹ sư, 5 năm không dính rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, vẫn không mua nổi 1 chỉ vàng đeo ngón tay! Đấy là mới kể một mặt hàng rất hiền lành, mà “lính viễn dương” thì “đánh” từ xe máy đến cuộn chỉ. Lợi nhuận siêu cấp mạ vàng cuộc đời thủy thủ. “10 năm đi Nga không bằng 3 năm đi Đức. 3 năm đi Đức không bằng một lúc đi tàu”.

Giấc mơ thời bao cấp

Hồi đầu những năm 80, đối với nhiều người dân phố Cầu Đất, thành phố Hải Phòng, sự kiện mỗi ngày H - một cư dân của họ, dùng hết nửa bao thuốc lá “3 số” (vừa hút vừa làm “công tác đối ngoại”) bị xem là thói xa hoa kinh khủng. Thế nhưng H. chỉ cười nhạt. H. có số được thần tài ủng hộ, đúng hơn là có ông chú làm tổ chức bên “Thực phẩm”, chạy được một chân thủy thủ trên con tàu biển thường xuyên đi về Hải Phòng-Hong Kong-Nhật Bản. Thế là H. giàu, “đổi đời”. Trong mắt xã hội Hải Phòng, H. trở thành một “VOSCO” (VOSCO - Cty Vận tải Biển Việt Nam - đã trở thành danh từ chung chỉ sự giàu có ở thành phố Hoa Phượng Đỏ).

Đã bao nhiêu lần, H. nghe thấy giọng quát nạt đau khổ của ông hàng xóm trước lời xin tiền thấm đẫm nước mắt của thằng con mua sách vở: “Nhà này không phải kho tiền! Mày cứ làm như bố mày ở VOSCO ấy!”. H. biết người ta ghen tị. Nhà người ta chẳng có gì. Nhà H. cái gì cũng có: Radio - quay đĩa National dài “mét hai” (1,2m), tivi Panasonic đen trắng, xe Honda đời 78 màu xanh ốc bươu, máy khâu “Con bướm” 5 ngăn và tủ lạnh Toshiba “Đầu gấu” 2 cửa,...

Buổi sáng, người ta xếp hàng ăn phở mậu dịch không thịt, H. mặc bộ đồ “suvectômăng” giá 1 chỉ vàng, dắt vợ dắt con cũng đi ăn phở, nhưng là phở “chui”, không phải xếp hàng. Vợ H. gọi cái đùi gà chặt cho cả nhà, khiến cô chủ quán luôn miệng dạ ran. Buổi chiều, H. uống bia Shapporo. Vợ H. nhặt cất vỏ lon, để cho hàng xóm làm bơ đong gạo, hoặc bày tủ ly! H. nói với tôi: Đôi lúc H. cũng giật mình sao H. lấy được vợ đẹp như thế! Vợ H. là 1 cô giáo cấp II, con bà bán hàng tạp phẩm chợ Sắt. Mỗi khi tàu từ Nhật về, H. “đổ” xà phòng Camay, mì chính A-one và xích líp Nhật cho bà. Hồi H. còn là thợ may phố huyện nghèo kiết, H. chẳng dám mơ đến sờ vào ngón tay út của cô. Đến khi H. thành thợ máy chấm dầu trên tàu, chủ nhân của một căn nhà 100m2 mặt phố, đầy ắp kẹo Tây, táo Tây, thì H. được bà mẹ vợ tương lai quàng cả 2 tay cô con gái “rượu” lên cổ. Chả trách bọn trẻ con vẫn cứ hát: “Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi “doa” (xe đạp Peugeot), Anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi Cup, Anh già đi Cup không bằng anh cụt VOSCO”. H. đi hỏi vợ bằng 2 chiếc xe Toyota mượn của các xếp làm náo động cả phố phường. Người ta đổ xô ra cửa bàn tán, chỉ chỏ (không khen cô dâu, chú rể) khen chiếc xe đẹp!

VOSCO đã trở thành danh từ chung chỉ sự giàu có ở thành phố Hoa Phượng Đỏ

Hồi ấy, ở Hải Phòng có hơn 1.000 người như H., họp thành tầng lớp đặc biệt, tục gọi là những “VOSCO”. Mặc dù, họ làm thuyền viên trên các đội tàu của ngành Thủy sản, Xăng dầu, Lương thực, của các Cty Vận tải biển như: Hải Phòng SHIP, VIETCO- SHIP,... Rất dễ nhận ra họ trên đường phố, bởi vì nó đập vào mắt. Họ mặc quần bò, áo lông, chân đi giày Adidas, tay đeo đồng hồ Seiko, miệng nhai kẹo Chewing gum và có lúc tiêu tiền Mỹ! Trong các quán ăn, ai nói to nhất, giọng khinh bạc nhất, kiểu cách quê mùa, có lẽ là họ. Thỉnh thoảng họ lại làm cả thành phố xôn xao bởi dám xây một cái nhà cao những 3 tầng. Họ trở thành nguồn đề tài vô tận để cho dân tình thích thú đàm tiếu đủ chuyện, đại loại: vợ họ ngày thường mà cũng đánh phấn, con họ cầm gặm nguyên quả táo Tây, làm nghẹn ngào cả người nghe! Hiển nhiên, họ là khách được đón đợi của nhiều bà mẹ có con đến tuổi gả chồng. Họ là “kiều” Việt! Nhưng họ đặc biệt thích các cô giáo cấp II, các cô thợ may xinh xinh, nhàn nhã, không yêu cầu làm ra tiền. Nhiều người tin rằng họ có khả năng biến cái không thể trở thành có thể, như đưa cả đàn con cháu từ nông thôn ra thành phố. Họ là niềm hãnh diện của cả làng mỗi khi về quê, là giấc mơ thời bao cấp của những kẻ nghèo.

Tam “bạc”

Thế nhưng không dễ mà được đi tàu. Muốn xuống được tàu phải có sự đảm bảo bằng lý lịch, xác nhận bằng nhiều con dấu. Sĩ quan đội tàu xuất thân từ những thành phần cơ bản, tốt nghiệp các trường đại học hàng hải trong và ngoài nước. Thủy thủ nhiều màu sắc hơn. Họ nguyên là những bộ đội phục viên, dân chài, học sinh các trường công nhân kỹ thuật đường biển và cả những người thiếu hẳn các điều kiện về thể chất, tinh thần, nhưng có “cây que”, nếu không thì phải có một ông chú thần thế nào đó để biến một anh thợ may trở thành thợ máy như H. kể trên.

Cuộc chạy xuống tàu mới là khởi động! Còn phải chạy được đi đâu? Đi “tam giác vàng” (Hongkong- Nhật Bản- Singapore) 1 tháng 1 chuyến, hàng Second- Hand vừa nhặt vừa mua, vừa nhiều vừa rẻ? Hay đi Châu Âu 6 tháng 1 chuyến, ngắm trăng suông Địa Trung Hải và nếm mùi vịnh Biscay gào thét? Hiển nhiên, những cửa hàng ở cảng biển nước ngoài hấp dẫn thủy thủ Việt Nam hơn là vẻ lãng mạn của biển cả!

Chưa hết, chạy đi đâu xong lại chạy đi lâu. Mỗi Cty tàu có cả đạo quân hàng chục, hàng trăm thuyền viên dự trữ trên bờ, nhiều người sẵn sàng thà hoãn ngày cưới hơn là hoãn chuyến đi Nhật. K.- kỹ sư điện Hàng hải than thở: “Tưởng nó (cán bộ tổ chức) là bạn học cũ, tàu về thì cũng chỉ “đi” “Ông già chống gậy” (Johnnie Walker) với thuốc 3 số, đúng nghĩa tặng quà! Thế là mới xuống tàu có 2 chuyến, nó đã ném tao lên bờ. Còn mấy thằng “đi” phong bì, thì hết Nhật lại Hong Kong, chẳng thấy giáo huấn “Hoa thơm cho mỗi người hưởng một tý”!

Hoa thơm? Thế nhưng đi biển là nghề nguy hiểm, vất vả, không đơn giản là một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng, lại hái ra tiền, như các độc giả của những tiểu thuyết hình sự đăng tải nhiều kỳ trên báo thường bị ngộ nhận. Những cái tên như: Mũi Horn, Tam giác Quỷ, Nghĩa địa tàu thuyền,... đủ làm khiếp đảm cả những “sói biển” thực thụ. Huống hồ kẻ đi biển bất đắc dĩ.

Anh N.V.H - cán bộ Đảng ủy Thủy sản Hạ Long được cơ quan cho xuống tàu đi Nhật “cải thiện”, hồi tưởng: “Say sóng ấy à! Giá có cục vàng to bằng hòn gạch ném đi để được lên bờ, cũng ném!”. Còn P.V.K., con trai của một quan chức, chỉ đòi tự tử(!) khiến cho cả tàu phải lấy thừng trói anh ta vào giường. Họ còn may đó! Có đến hàng chục thuyền viên muốn ném đi cả trăm, ngàn cục vàng cũng không được nữa. Họ đã chết cùng với tàu Vàm Cỏ 12 trên biển Qui Nhơn, tàu GARNET trên kênh đào Suez,...

Phương ngôn biển nói: “Biển không thích những con tàu không thể chìm”. Cho nên, Biển chỉ chấp nhận những người dũng cảm, thần kinh của họ phải chắc và dai như sợi dây cáp thuyền buồm, để chống chọi với thử thách khắc nghiệt chẳng kém sóng gió. Ai đã đi biển không sống sót qua cảm giác: Đêm đến, giữa Trời và Biển như 2 tổng thể vĩ đại úp chụp lên nhau, con người ở giữa thật là nhỏ bé, cô đơn khủng khiếp trong cái cabine chật chội của mình. Người ta cồn cào thèm khát đất liền: Thèm một mặt bằng vững chắc không nghiêng ngả dưới chân mình; Thèm nghe cả tiếng hàng xóm cãi nhau; Thèm nhìn thấy một “bóng hồng”, trong khi mùa xuân đã về, vẫn lang thang nơi góc bể chân trời...

Đời viễn dương (2)
Link Facebook