26 thg 8, 2013

Trượt trên "nhạc Trịnh"

Trong âm nhạc, chuyện khen chê nhau rất bình thường. Đến Wagner và Brahms – hai nhà soạn nhạc vĩ đại của thế giới mà còn cãi nhau, phủ nhận lẫn nhau đến nỗi được ghi vào trong lịch sử âm nhạc. Nguyễn Ánh 9 là một nhạc sĩ của ngày xưa thời người ta hát bel calto. Bởi thế, nhận xét của ông về Đàm Vĩnh Hưng – ca sĩ thời nay, khi lối hát bel calto trở thành mốt cũ, có phần võ đoán. Xin nhớ tôi không bao giờ là fan của Đàm Vĩnh Hưng và chỉ bị nghe anh ta khi người ngồi bên mở đĩa anh ta hát. Nhưng những nhận xét của ông Nguyễn Ánh 9 về Hồng Nhung, Mỹ Linh và nhiều ca sĩ khác nữa thì quả thật không sai.

Ngày nay, người ta (ca sĩ) khoe giọng là chính – căn bệnh của tất cả xã hội ở đó âm nhạc suy đồi. Ít người muốn nâng bài hát mình yêu thích lên bằng cách xử lý thông minh, sáng tạo, tất nhiên khó khăn, mà chỉ muốn nâng mình lên bằng cách khoe giọng vì lòng ích kỉ và sự dễ dãi. Mời các bạn đọc thêm bài viết về đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Trượt trên nhạc Trịnh”. Cuối cùng đã là người nghệ sĩ “nhớn” sao lại phải viết “tâm thư” thề không biểu diễn bài hát của “bố”. Rồi cứ cho là 10 năm nữa, sẽ chẳng ai còn nghe cậu Đàm Vĩnh Hưng hát, thế nhưng lúc đó chắc chắn sẽ còn người nghe Nguyễn Ánh 9 “hát” tâm hồn ông.
----------

Có người nhạc sĩ tài hoa ra đi, nhưng những tình ca bất hủ của ông vẫn được người đời nâng niu và âu yếm gọi bằng cái tên Nhạc Trịnh. Ông nổi tiếng quá, đến mức nhiều người muốn bám vào ông như bụi cây leo bám vào tảng đá. Trong đêm kỷ niệm ngày mất của ông, trước một đám đông phấn khích, không khí cũng bị tích điện, sự hưng phấn đã tràn qua, lôi cuốn các nhạc công. Họ chơi đàn như chỉ có mình họ với người nhạc sĩ, dường như ai cũng sợ ông không nghe thấy tiếng lòng mình. Những âm thanh vượt qua ngưỡng 200 “dexiben” không biết có đánh thức người nhạc sĩ phải trở mình trong nấm mồ của ông. Rồi sự xuất hiện của một ca sĩ. Cô vừa nổi tiếng thông minh đến mức quá say mê bản thân mình, lại vừa có sự ngây thơ bền bỉ khi kể lể về tình cảm đặc biệt của cô với âm nhạc của tài nhân họ Trịnh. Thế nhưng giọng hát của cô như trượt trên các nốt nhạc, cố gắng bám trong vô vọng vào tâm hồn người nhạc sĩ. Nó không phải tiếng con chim họa mi, mà là một bản ghi âm phát lại. Cảm giác xót xa trong âm nhạc của Trịnh chỉ đọng lại ngoài môi cô, chứ không phải trong đáy lòng. Cô hát về sự cô đơn mà sao nó giả như bông hoa nhựa. Cô không hề muốn nói hộ nỗi buồn của ông khi cất lời “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng” bằng ham muốn khoe chất giọng dày, đẹp của mình.

Mệt mỏi vì sự hời hợt trong đêm nhạc hoành tráng kỷ niệm người nghệ sĩ đã rút lòng mình thành sợi để dệt niềm vui tặng đời, anh bỏ ra ngoài. Một con chim đêm bay ngang bầu trời có các vì sao ươn ướt để trút nỗi buồn và thoát ra những tiếng kêu lạc lõng. Anh bỗng nhớ lời Trà nhân Nhật Bản K.Enshiu nói rằng: “Tiếp cận một tác phẩm tuyệt tác cũng như khi tiếp kiến một ông vua: mình phải cúi đầu thấp hơn tác phẩm và hãy nín thở chờ đợi sự bày tỏ dù nhỏ nhất của nó”. Đằng này họ đứng trên nhạc của người nhạc sĩ để khoe hàm răng làm lại lộng lẫy, khoe cái vinh quang đã gặt hái được từ chính âm nhạc của ông.

Anh ghé vào một quán rượu bên đường. Anh biết rượu là thứ nước có thể làm một tâm hồn già nua ấm lên, trẻ lại. Ở khía cạnh này nó giống âm nhạc. Lão chủ quán bê cho anh chai rượu có sự ngọt ngào đáng ngờ như vẻ mặt con mèo già đang gầm gừ trong góc bếp. Quán chẳng có ai trừ một gã giang hồ đã về hưu đang ngồi khóc trước chai rượu rỗng và một đĩa mồi sạch bóng. Trong ngày mưa gió thế này, anh mặc cho tâm trạng mình lênh đênh như mảnh gỗ nổi. Thế rồi, anh rùng mình nghe thấy “con mèo già”, có lẽ tâm trạng cũng đang ở đáy cốc rượu, cất giọng: “Nắng có hồng bằng đôi môi em…”. Dù nó thiếu sự hoàn hảo (cái thứ hoàn hảo cách độ tẻ nhạt một đốt ngón tay của nhiều ca sĩ chuyên nghiệp) nhưng nó bộc lộ một tâm hồn bị bỏ hoang trong sự cô đơn. Nhạc Trịnh không phải để diễn trong ánh đèn sân khấu rực rỡ. Âm nhạc của ông là nỗi u buồn trong mắt, làm mắt dịu đi nhưng không vẩn đục. Ngay cả nụ cười của người nhạc sĩ cũng thường thoảng qua như một làn khói chầm chậm bay lên giữa trời lặng gió. Có thể nào hát về cánh vạc bay bằng cái giọng ròn như tiếng sỏi lắc trong quả bầu khô?

Link Facebook