Hội trường thật là tưng bừng. Bởi mấy mươi năm mới có một lần cho thầy dạy xưa, học trò cũ gặp lại nhau. Trừ một số đã trở thành những nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà thơ, doanh nhân nổi tiếng, mỗi tháng thường xuất hiện vài ba lần trên tivi, còn chỉ nhìn vào áo quần thật đẹp, vào những nụ cười ha hả, những cái bắt tay thật chặt, cũng biết đại đa số người trở về đã thành đạt. Gặp nhau, rượu “sâm banh” chảy như nước, đèn máy ảnh nháy liên tục và danh thiếp trao mỏi tay. Người ta ồn ào mở ví lấy những đồng bạc mới cứng góp vào quỹ ủng hộ trường...
Có một người học trò cũ lặng lẽ ngồi trong quán nước rách nát bên kia đường, trước cổng trường. Anh nhìn thấy các bạn mình bước từ xe ôtô xuống, hoặc ngồi trên xe máy Nhật phóng đến. Suýt nữa anh đã gọi to tên họ! Anh không dám chắc các bạn cũ có còn nhận ra anh hay còn muốn nhận ra anh. Anh đã già và tiều tụy biết bao. Số phận không cười với anh, chỉ cho anh một chiếc xe xích lô kiếm sống ở nơi đầu đường, góc chợ. Nhưng anh vẫn nhớ những năm tuổi thơ hạnh phúc nô đùa dưới gốc cây bàng sân trường. Anh muốn nhìn lại nó lắm, mà sao không có can đảm để bước qua đường vào nơi nhã nhạc đang tưng bừng kia!
- “Này, anh!” - Anh giật mình và nhìn thấy trước mặt người thầy địa lý đầu tiên đã truyền cho anh tình yêu với những sa mạc hoang vu, các đỉnh núi cao kỳ vĩ và những cánh đồng 4 mùa nở hoa,... Chắc hẳn thầy đã về hưu.
- “Chuyển cho chúng tôi lẵng hoa này vào trong kia!” Thầy giáo bảo anh vào trường! Đi giữa 2 hàng thiếu nữ áo dài thướt tha cầm hoa đón khách, anh càng cảm thấy thân phận nghèo hèn của mình. Đặt xong lẵng hoa, anh đứng lặng nhìn cây bàng của mình. Người ta đi ngang qua anh như qua một cây cột đèn.
- “Này, cầm lấy tiền rồi về!” - Thầy nói. Chợt tỉnh, anh lấy tay vuốt thật phẳng những tờ bạc lẻ, tiền công suốt đêm hôm qua anh thức chờ khách ở ga tàu hoả, cho vào một chiếc phong bì gấp vội bằng giấy học trò, thế rồi cung kính dâng trước người thầy giáo già “Em chúc mừng thầy nhân ngày hội trường” và bước như chạy ra đường. Thế là anh đã về dự hội trường với cả hoa và phong bì.
Link Facebook
2 thg 9, 2013
Trang web đăng các bài phóng sự, bút ký, tản mạn,... của nhà báo Hà Linh Quân