5 thg 8, 2013

Vinashin: Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối P1 (5)

Con tàu Vinashin đã phải phát tín hiệu cấp cứu. Với một số người trong làng tàu thuyền, đó là điều không bất ngờ. Họ đã nhận thấy dấu hiệu cảnh báo từ cái con số tăng trưởng “sờ vào bỏng tay” 40%/năm và những dòng tiền liên tục đổ vào cái miệng háu ăn của Vinashin. Và rồi tất cả bùng phát, khi những đám mây mang đầy sấm chớp đe dọa từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu xuất hiện trên bầu trời Vinashin.

Các hầu bao bị ngân hàng thắt lại. Giá đóng tàu bị “bổ nhào”. Các chủ tàu thất nghiệp ôm hợp đồng đóng tàu (giá 8 tỷ USD) bỏ chạy. Quả bong bóng Vinashin nổ tung, như một con ếch cố phình bụng thành con bò trong ngụ ngôn La Fontaine. Dù không phủ nhận sức mạnh tàn phá của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cho “phăng teo” cả những thể chế kinh tế - tài chính quốc tế hùng mạnh, đã tồn tại 100 năm, Bộ chính trị vẫn kết luận: Nguyên nhân chính làm con tàu Vinashin bị mắc cạn thuộc về chủ quan, trong đó có trách nhiệm của người thuyền trưởng Vinashin – ông Phạm Thanh Bình.

Ông Phạm Thanh Bình kể rằng quê nội ông ở làng Vẻn, nơi phát xuất của Thành phố Hải Phòng. Gia đình ông có truyền thống yêu nước. Ông nội tham gia cách mạng từ năm 1927. Bố đi bộ đội Nam tiến, gặp mẹ (ông) là nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế), sinh ra ông (1953) ở Cà Mau (trong rừng U Minh). Tập kết ra Bắc, ông học 10 năm phổ thông ở tỉnh Hòa Bình. “Tôi là người Bắc – Trung – Nam, có đủ các chất rừng, biển!” – Ông nói. Học xong đại học đóng tàu Gdansk (Ba Lan) chuyên ngành vỏ tàu, ông về Phân viện Thiết kế tàu thủy, ô tô của Bộ giao thông vận tải. Thời gian ở Viện ông có khá nhiều “tác phẩm” bây giờ vẫn được nhắc đến: tàu 3 cột buồm, tàu nghiên cứu biển, tàu hút bùn, cần cẩu nổi… Khác với nhiều bậc mũ cao áo dài, ông Bình không nhốt mình vào trong 4 bức tường học thuật. Ông là chỉ huy xây dựng các cây đèn biển Đá Lát, An Bang, Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa. Cho đến hôm nay, những người đã nhận ông Bình về Viện làm việc, những trí thức rất đáng kính, vẫn đánh giá cao về con người Phạm Thanh Bình “đẹp trai, tài hoa, thông minh, xông xáo, nhiệt tình”.


Ông Phạm Thanh Bình vẫn là như vậy trong giai đoạn Vinashin còn non trẻ. Ông đã thuyết phục được các cấp trên của mình bằng sự hiểu biết sâu sắc và niềm tin tuyệt đối vào vai trò của đóng tàu trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam. Ông đã lôi cuốn được các cấp dưới nhờ vào nhiệt tình sôi nổi, tinh thần tiên phong, kinh nghiệm thực tiễn, sự quyết đoán và tầm nhìn trong sự nghiệp chung của họ. Ông là dạng người “trong lòng có lửa”! Nhớ khi Vinashin còn “thất nghiệp”, ông lặn lội sang Iraq (1996) vẫn còn bom rơi đạn lạc, ký được 6 hợp đồng (65 triệu USD) đóng tàu cho nước này theo chương trình “Đổi dầu lấy lương thực" của LHQ. Ngày mồng 1 Tết âm lịch năm Ất Dậu (2005), ông không ngồi nhà, mà ra giữa biển ăn Tết với những người thợ trục vớt tàu Mỹ Đình đắm trên biển Cát Bà. Ông chẳng ngại nhảy xuống nước, lội bùn đi dọc đầu sông bãi sú, khảo sát địa hình xây dựng Nhà máy đóng tàu Nam Triệu… Ông là một nhà thương thuyết kiên trì, mềm dẻo trên bàn đàm phán. Ông khiến nhiều vị chủ tàu nước ngoài ngạo mạn buộc phải bỏ ngoài cửa phòng làm việc của ông tâm lý coi thường người Việt. Ông có đủ sự lỳ lợm của con “sói biển” để chèo lái một con tàu như Vinashin đang lẻ loi, vật vã trong sóng gió thị trường, nhưng lại thiếu sự khôn ngoan để biết điều chỉnh đường đi, tốc độ của nó. Ông là một nhà kỹ trị xuất sắc, nhưng không phải là nhà quản lý kinh tế giỏi. Thật tiếc!

“Món quà” Chính phủ cho vay 700 triệu USD là một bước ngoặt quan trọng của Vinashin và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cá nhân ông Bình. Có tiền, cộng với sức sống của người được trở về từ vực sâu, Vinashin đã bắt đầu “lên đời”. Từ chỗ vô danh, bị xem thường vì thấp hơn ngọn cỏ, họ có lúc được đưa lên tận những tầng mây. Từ lúc bị mọi cánh cửa đóng sập trước mặt, tới lúc họ mở toang mọi cánh cửa với chiếc “đũa thần” Vinashin cầm trên tay. Bây giờ cái người ăn to nói lớn, đi đứng hùng dũng là ông GĐ đóng tàu, chứ không phải ông GĐ hãng tàu. Gió đã đổi chiều! Trong lúc trà dư tửu hậu, còn có lời đùa cợt rằng: có thể Vinashin đang tính chuyện “thôn tính” cả Vinalines (Tổng Cty Hàng hải VN)!!!

Sự thăng hoa Vinashin mang lại cơm no áo ấm cho nhiều người Vinashin (cả sự “vinh thân phì gia” cho một số người), và cũng nâng ông Bình lên đỉnh cao quyền lực. Ở Vinashin, danh vọng, uy tín của ông gần như tuyệt đối. Những người cộng sự của ông chấp nhận điều đó vui vẻ, đương nhiên như mũi phải nằm giữa mặt. Họ đoàn kết xung quanh ông. Cả Tập đoàn như quả trứng bằng thép, kín mít, không có một khe hở nào. Họ là một dàn đồng ca thực lòng tung hô ông Bình. Bả phù hoa là một thứ dễ lây nhiễm, khó bỏ. Ông Bình bắt đầu hành xử như một vị vua trong “vương quốc” Vianshin của mình. Lời của ông như chiếu chỉ. Bởi thế cả Vinashin không ai có ý kiến gì khi ông Bình đi mua tàu Hoa Sen, khi ông Bình vãi tiền ra đầu tư hết chỗ này đến chỗ khác. Họ ủng hộ ông! Đảng Ủy, HĐQT của Vinashin đều “nhảy múa” dưới cây gậy chỉ huy của ông. (Ngay cả sau này khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã “vùi dập” Vinashin, “quả trứng” Vinashin đã bắt đầu rạn nứt, thì thảng hoặc cũng có người hoài nghi quyết định của ông, nhưng không mấy ai trong Vinashin dám có can đảm bày tỏ chính kiến, nói chi lật ngược. Người ta chỉ xì xầm ngoài hành lang ông Bình đề bạt con trai - một thanh niên được đào tạo bài bản, cẩn thận - vào những cương vị cao trong Tập đoàn, hoặc ông Bình “cho” ai đó được nhận thầu một công trình gì đó, bất chấp các nguyên tắc về đấu thầu nhà nước).

Những lời khen ngợi, động viên của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước khi đến thăm Vinashin, cố tình biến chúng thành thứ bảo bối hoặc thành bình phong che đậy cho đích hành động của ông: Trở thành một “Hyundai VN”. Tham vọng biến ông thành một kẻ nghiện đầu tư phát triển. Khi người viết bài này phỏng vấn ông: Vinashin có sợ như con ếch cố phình bụng thành con bò hay không? Ông đáp: “Tôi đã là con bò rồi!”. Cái đáng phải xem là lời cảnh báo, thì ông Bình lại coi đó là lý do để tự mãn. Tham vọng như thanh nam châm cực lớn làm méo mó những dự báo của người hoạch định chiến lược Vinashin, khiến chúng trở thành “tính cua trong lỗ”. Cho rằng Vinashin có chỉ số tín nhiệm cao không thua kém Chính phủ, ông định phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Vinashin ra thị trường thế giới. Để dọn chỗ đón tiền về, ông ém rất nhiều dự án chờ sẵn. Khi tiền không về (trái phiếu thất bại), dự án bỏ hoang, chôn nghìn tỷ đồng xuống đất.

Thực ra thì ông cũng biết “gót chân A-sin” của Vinashin: Sự thiếu hụt nghiêm trọng về tài chính và về nhân lực lãnh đạo. Nhiều người thường đùa: “Cạc vi dít” của một số nhà lãnh đạo Vinashin phải to bằng một bàn tay người lớn, mới ghi hết được chức vụ kiêm nhiệm của họ. Nhưng ông mù quáng, chủ quan chỉ coi nó như một sự phiền phức vặt vãnh, chứ không phải là vết thương chí mạng. Ông không nhận thức được rằng: Cả Vinashin chưa có ai được đào tạo ở tầm quản lý một Tập đoàn cỡ khu vực!

Các bài khác: