5 thg 8, 2013

Vinashin: Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự tha hóa tuyệt đối P2 (6)

Khi lầm tưởng rằng khó khăn đã ở phía sau, ông bắt đầu ban phát các ân huệ cho những ai đã làm ông vừa lòng, thậm chí cả những người ông mắc nợ tình cảm tận trong quá khứ. Ông cảm ơn nơi sinh thành bằng cách cho xây dựng một NMĐT ở mãi Cà Mau, nơi cách xa lắc xa lơ tất cả cơ sở dịch vụ công nghiệp, hậu cần, GTVT, nơi mặt đất bùn lún sâu hàng mét, nơi những nông dân bản địa thích đi mò tôm hơn sơn vỏ tàu.

Điều nguy hiểm nhất là Vinashin càng thăng hoa bao nhiêu thì ông càng tự yêu mình bấy nhiêu. Người ta kể rằng: Ông đi đến dự lễ động thổ khu CNTT Yên Hưng (Quảng Ninh) bằng xe có đội còi hụ hộ tống (người viết cũng không tin lắm, vì ông có khá nhiều người ghen tị)! Ông bắt đầu mất tỉnh táo. Tất cả quyết định của ông đều xoay xung quanh cái tôi to tướng của ông, đậm màu sắc duy ý chí, chủ quan.

Cái chết tinh thần là một phạm trù phức tạp. Nó có thể là hậu quả của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật (trường hợp xảy ra với tàu buồm Cutty Sark và tàu chở khách chuyên tuyến Queen Mary), của những diễn biến chính trường bất ngờ (các siêu tàu dầu)... Ngay những Cty chủ tàu sừng sỏ thế giới có cả một dàn chuyên gia sói đầu chuyên nghiên cứu về thương trường, có người của mình nằm trong nghị viện, trong các tòa soạn báo chí, có một mạng lưới thông tin liên lạc toàn cầu, mà cũng nhiều khi không tránh được những cái chết tinh thần. Nhưng Hoa Sen chỉ là một cái chết tinh thần thô thiển. Nó chết vì! Khi bị đề cập đến những thất bại kinh tế hiển nhiên của tàu Hoa Sen, ông Bình luôn luôn lảng tránh, cố tình mập mờ ám chỉ: Hoa Sen còn được mua về dùng làm “một cái gì đó” (?) (Ông Bình cứ tưởng tượng thôi! Chẳng lẽ “cái gì đó” chỉ là nơi trình diễn của các “Sao Mai điểm hẹn” hay là chỗ để ông họp Tập đoàn trên Vịnh Hạ Long, xa mọi cái tai báo chí). Bất kể để làm “một cái gì đó”, thì ông Bình phải nhớ rằng: Vinashin là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, không thể đánh bạc phung phí tiền thuế của dân. Dự án 19.000 tỷ đồng cho “Con đường cao tốc Bắc - Nam trên biển” của ông, nếu ông cố tình thực hiện thì sự đã đến giới hạn điên rồ. Còn nếu ông tung ra cốt để bào chữa cho thất bại của tàu Hoa Sen, thì chỉ là lời bào chữa vụng về, ngớ ngẩn! Như trên đã nói, ông Bình là nhà kỹ trị, không phải nhà kinh tế giỏi.

Ông nói rằng ông “cai trị” Vinashin bằng cái Tâm. Ông dùng “nhân trị” ở một nơi đầy hỗn tạp, lộn xộn, dở dang, thiếu trật tự… thì làm sao chẳng sai lầm! Sai lầm của ông làm sụp đổ thần tượng ông trong lòng người Vinashin. Một số công thần “khai quốc” của ông rồi bắt đầu rời xa ông. Ông thừa nhận rằng: Gần đây ông là một người cô đơn ở phố Ngọc Khánh chỉ còn biết nghe thông tin một chiều từ ông truyền xuống. Ông dị ứng với báo chí, họ tỏ ra chưa tin ông, mà ông thì luôn luôn nghĩ: ông đúng! Ngay cả chuyện con trai ông, một thanh niên có học thức, thông minh, được ông bổ nhiệm làm Viện phó viện KHCN Tàu thủy. Ông nói: Nếu là người ngoài đã không sinh chuyện! Thì đương nhiên rồi! Người xưa đã dặn: Phàm người quân tử đi qua ruộng dưa không được sửa dép, đi dưới cây táo không được sửa mũ, để tránh gây sự hiểu nhầm. Làm người lãnh đạo ông phải biết điều đó chứ! Ông bắt đầu có biểu hiện hoang tưởng. Sau này, khi ông sắp bị tạm giam, ông than phiền rằng: Tư duy của ông vượt quá xa các cộng sự của mình! Ông không ngại phải thuyết phục cấp trên – những cái đầu “lớn”, mà ông “khó” khi lôi kéo cấp dưới – những cái đầu “bé” hơn ông rất nhiều(?)! (Sức cuốn hút của ông ngày xưa đâu?). Ông muốn gạt lỗi, thanh minh cho sự đổ vỡ từng mảng trong cái “vương quốc” ông đã mở rộng bừa bãi, không kiểm soát được. Hỏi ông bình luận gì về những lời trách móc Vinashin đã đầu tư lấn sân sang nhiều lĩnh vực không phải đóng tàu, ông ngộ nhận rằng người ta ghen tị với ông vì sợ ông làm những việc đó tốt hơn họ!

Sai lầm của ông đã được kết luận trong thông báo của UBKT TW. Không biết ông có “chấm phẩy” gì không trong việc lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án? Công an, Thanh tra Chính phủ chắc sẽ kết luận. Nếu có thì quả thật là “quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đễn sự tha hóa tuyệt đối”.

Kết luận của Bộ Chính trị có nhắc đến trách nhiệm của HĐQT Vinashin. Bản thân các sự kiện đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhận định về họ: Họ chỉ là cái đuôi của ông Phạm Thanh Bình. Vậy là họ đã không hoàn thành được nhiệm vụ Nhà nước giao phó.

Trụ sở Vinashin tại Hà Nội

Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản. 22.000 người vừa bỏ việc vừa mất việc. Cuộc tái cơ cấu Vinashin đã khởi động, không để Vinashin rơi vào sự tuyệt vọng kinh tế. Có lẽ Chính phủ cần mở một cuộc hội thảo mời các nhà khoa học, kinh tế, kỹ thuật về đóng tàu, hàng hải… để cho họ có tiếng nói tâm huyết góp phần giúp Vinashin có một đường hướng hoạt động khôn ngoan, đúng đắn và có hiệu quả.

Chẳng hạn vấn đề đầu tiên là xác định lại mục tiêu phát triển của Vinashin. Người ta sẽ nói Vinashin “bây giờ” chỉ đóng tàu! Nhưng đóng tàu gì là chính? Đóng những tàu lớn 100.000 tấn xuất khẩu hay Vinashin sẽ “hướng nội”: phục vụ đội tàu vận tải trong nước, tàu cá, đóng những tàu quân sự để củng cố sức mạnh quốc gia trên biển, vừa với sức khỏe của Vinashin? Ông Đỗ Thái Bình một chuyên gia hàng đầu ở VN về thế giới tàu thuyền đã nói rằng: “Để có một ngành CNTT chuyên đóng những con “ma mút” xuất khẩu, đầu tư như vừa rồi vẫn còn ít! Vấn đề là phải sử dụng tiền đầu tư như thế nào”. Chúng ta không hề phủ nhận các thành công về khoa học – công nghệ của Vinashin trong những “con voi ma mút”, nhưng các hợp đồng đóng tàu lớn đó có mang lại những lợi nhuận “ma mút” hay không? Chưa có một công bố chính thức nào của Vinashin cho chúng ta biết điều đó, mặc dù những thông tin ấy không phải bí mật kinh doanh (các nhà môi giới đóng tàu biết hết), huống hồ bí mật quốc gia.

Nếu Vinashin xác định đóng tàu “ma mút” xuất khẩu vẫn là mục tiêu phát triển chiến lược, thì họ nên biết: Đóng tàu là một thị trường toàn cầu, nhất là khi thế giới “phẳng”, ở đây cung luôn luôn lớn hơn cầu. Vinashin đã báo cáo Chính phủ đến năm 2013 họ sẽ bắt đầu có lãi, 2015 – phát triển ổn định. Những dự báo này xuất phát từ đâu? Có tham vấn các tổ chức nghiên cứu dự báo uy tín của thế giới như Lloyd, Drewry… hay không, hay chỉ là sự quyết tâm chủ quan của những người ngồi ở phố Ngọc Khánh? Nếu dự báo sai, Vinashin sẽ gây thất vọng cho xã hội, cho chính Vinashin bởi không chuẩn bị tốt kế hoạch “ứng cứu” kịp thời.

Sau nữa Vinashin cần từ bỏ quan niệm CNTT như một thế giới khép kín, ở đó người ta sẽ tự làm điện, tự nấu thép, tự pha sơn và tự đóng tàu! CNTT chỉ là một nhánh trong chuỗi phân công lao động toàn cầu. Trong khi đất nước còn đang đặt mục tiêu tiến lên công nghiệp hóa, sức mạnh kinh tế có giới hạn để “viện trợ “ cho Vinashin, phải chăng hãy để cả nền công nghiệp quốc gia chung vai gánh vác nhiệm vụ xây dựng công nghiệp phụ trợ đóng tàu, không bắt công nghiệp phụ trợ đóng tàu phải thành "con riêng" của Vinashin. Như thế Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư cả nhân lực và tài lực. Lúc đó Vinashin sẽ đặt hàng cho nền kinh tế quốc dân và cùng hợp tác giải quyết yêu cầu của mình.

Một Vinashin “mới” không đa tạp, “tả pí lù” như Vinashin “cũ” chưa phải là điều đảm bảo tuyệt đối chắc chắn cho một Vinashin “có hiệu quả”. Không có hiệu quả thì con tàu Vinashin lại chính là một cái chết tinh thần.

Các bài khác: