1 thg 10, 2013

Các cụ đi nhảy

Tặng các cụ nhân ngày “Người cao tuổi”
Mới 8h sáng, khoảng thời gian còn quá sớm đối với những sàn nhảy chuyên ngủ muộn, đã có 2 cụ đóng đủ “comlê, càvạt” dắt nhau vào sàn. Cô chủ sàn lấy tay che miệng ngáp, rồi nở nụ cười cầu tài thường trực, thắc mắc: “Mọi khi có 3 cụ đi với nhau, hôm nay cụ kia đâu ạ?”. Một cụ thở dài: “Cụ ấy đi rồi!”. Cụ khác chen vào: “Nhảy về là đi, thế là tiên đấy!”

Đã đi nhảy phải lịch sự!

9 giờ. Khúc nhạc mời nhảy bắt đầu vang lên trên sàn khiêu vũ cổ điển T.Đ. Các cụ ông sửa lại giày, các cụ bà vén lại tóc. Ông B bước nhanh sang tận đầu kia sàn nhảy để mời bà K. Ông nói với tôi: “Bà ấy đi valse siêu lắm, không nhanh, tay khác mời mất!”. Quả nhiên ông mới đi được nửa đường đã thấy bà K tay trong tay một cụ ông khác. Mái đầu bà ngả ra sau như dựa vào một cái gối vô hình và bàn chân được chắp cánh bằng âm nhạc nhẹ bay lên, làm cái váy cũng bồng bềnh như một đám mây.

Quả thật, valse là bà hoàng của các điệu nhảy và là điệu nhảy của các bà hoàng! Khác với thanh niên, các cụ bà đều mặc váy đi nhảy, những cái váy dài đến tận gót chân, cổ đóng kín mít như cửa nhà kho. Bởi khi mặc váy, cụ bà sẽ được cụ ông cư xử như đối với một “quý cô”. Ngược lại, các cụ ông cũng phải “chuẩn” nếu muốn được các cụ bà tôn trọng: Comlê, càvạt (hoặc nơ) - mùa đông, áo đóng trong quần - mùa hè, mùa nào chân cũng phải đi giày tây! “Đây là một chốn văn minh, đã đi nhảy phải lịch sự!” - đó là các cụ nói thế.

Cho nên tôi chẳng ngạc nhiên khi nghe có cụ tự nhận là “nhà hoạt động văn hóa” (cụ có 1 sạp bán báo), hoặc đã “kinh doanh dịch vụ vận tải” (trước cụ làm nghề xe ôm). Thế nhưng áo quần chưa phải là xong đâu nhé! Ông họa sĩ T nổi tiếng trong giới vẽ vời thành phố chúng tôi bởi bệnh... sợ nước, đã thành giai thoại. Từ ngày đi nhảy, ông lại nổi tiếng luôn trong làng nhảy. Nhắm mắt chúng tôi cũng nhận ra ông trên sàn, bởi ông luôn được bao bọc trong một đám hơi nước... hoa! Không thế không được ấy chứ!

Lời ăn tiếng nói cũng vậy. “Làm ơn”, “Xin lỗi”, “Xin mời” là những cụm từ được các cụ dùng kèm với nụ cười nhiều nhất trên sàn. Thỉnh thoảng thì các cụ cũng to tiếng, nhưng đó là bởi cụ ông, hoặc cụ bà bị ngãng tai. Song tôi nể nhất là thứ ngôn ngữ sắc bén thỉnh thoảng các cụ nói thầm với nhau. Chẳng hạn, bàn về quần áo của đám thanh niên: “Tóc dài hơn váy”. Thật đúng là gừng càng già càng cay. Tôi ngồi cả năm cũng không thể nghĩ ra được một câu nói hay như thế!

Nhảy làm trái tim vui vẻ, tặng sức khỏe cho người già!


Tôi gặp bà H. Bà nói bằng giọng trầm trọng làm tôi cứ tưởng Tổng thống Mỹ vừa tuyên bố thị trường tài chính phố Wall đã sụp đổ: “Này có biết không, A nó đi nhảy đầm đấy?”. Một thập kỷ trước, khi còn là người đàn bà “thừa thãi” chất phác, mặc dù bà đã cố giữ hạnh phúc gia đình bằng cách tảng lờ, song vẫn thất bại - bà A bị chồng bỏ rơi. Buồn khổ, bà tự “đào hang” cố thủ trong nhà, hàng đêm làm bạn với chiếc tivi. Nhưng nỗi cô đơn là chất ăn mòn tinh thần, nó khiến tâm trạng bà càng ủ dột.

Một chiều cuối năm rét mướt, bà ngồi đọc một bài thơ viết về cây bàng mùa đông đang gắng vực lại những sắc lá xanh của mình, bỗng “ngộ” ra rằng: Đôi lúc cũng nên để bị cuốn hút vào điều lãng mạn nào đó. Và bà đi nhảy. Vốn có tâm hồn, lại chịu khổ luyện, bà trở thành một “ngôi sao” trên sàn. Nhìn bà “bay lượn”, người ta có thể hiểu được câu nói: “Không có gì đẹp trên đời bằng thuyền bể căng buồm, ngựa phi nước đại và đàn bà khiêu vũ”. Trong bối cảnh đó, bà đã gặp lại “một nửa” ngày xưa của mình, giờ cũng là một “quý ông” trên sàn. Khi chia tay nhau, bà đã thề rằng: Ông sẽ là người cuối cùng trên thế gian này bà muốn gặp mặt. Thế mà, những điệu tango dìu dặt, làm máu trào lên vị ngọt, cứ từ từ làm ông bà xích lại gần nhau.

Một sáng mùa xuân tỉnh dậy, bà thấy ông ở trong nhà của mình. Bây giờ bà đang hạnh phúc. Nhưng như con chim đã bị tên bắn một lần, thấy cành cây cong cứ tưởng cánh cung, bà chỉ nhảy có một mắt, mắt kia vẫn phải thường trực canh chồng, khi có bà nào chấp chới hàng mi, mỉm cười ngây thơ như đang còn là học sinh trung học mời chồng bà nhảy. Bà cương quyết không để điệu rumba ngọt ngào biến thành “tiếng kèn đám ma cho cuộc tình” vừa làm lại.Bà quá cẩn thận! Với người đi nhảy đích thực chuyện đó không thể xảy ra!

Nhảy đẹp quá!

Hoàn toàn ngược lại. Bà V đi nhảy vì toàn thân đau, chứ không chỉ vì “trái tim đau” như bà A. Nhà bà giàu đã mấy đời. Những người như thế thì không bao giờ dậy sớm. Và bà lại có thói quen hồn nhiên là ăn tất cả những gì ngon nằm trong tầm tay với. Hậu quả là mới hơn 40 tuổi, hai chân bà đau vì phải gắng sức đỡ một tấm thân quá khổ. Đến 50 tuổi thì chỉ số cholestrol trong máu bà đã lên tới 7,8. Thần kinh rão rệu như sợi cao su bị căng quá tải. Mỗi lần gặp bà là phải nghe bà phàn nàn vô tận về các loại thuốc đông tây và ước mong được... chết sớm! Có người mách bà cắt thuốc của ông lang H. Ông lang H lại ham nhảy, lôi được bà đi ra sàn. 6 năm uống thuốc gia truyền, 6 năm đi nhảy, bà V trở thành bà “Victory” (chiến thắng). Bà giảm 10 cân trọng lượng. Bù lại, người bà cao lên vì lưng thẳng ra, chân bà nhanh nhẹn, dường như trong mỗi khớp xương khi nhảy đều có tiếng nhạc, cholestrol giảm còn 5 “phẩy”. Ai nhắc về nỗi lo lắng bệnh tật ngày xưa, bà cười đùa nhận: “Lo lắng hão huyền!”. Bây giờ bà đi khắp nơi quảng cáo cho nhảy như là thuốc tiên. Bà hăng hái quá khiến ông lang H giận bà. Ông vẫn cho rằng bà khỏi bệnh là nhờ thuốc gia truyền của ông. Bà có “đồng minh” là ông T.C. Nhờ đi nhảy đầm, huyết áp của ông luôn cố định ở 130/80. Mừng cho ông. Tất nhiên không chỉ mình ông T.C được hưởng niềm vui “hồi xuân” nhờ nhảy. Ra sàn xin chớ vội vàng đoán tuổi, dễ bị “hố” to. Người viết bài này từng gọi một cụ 65 tuổi bằng... em! hu hu

Nhảy làm trái tim vui vẻ. Mà một trái tim vui vẻ giết được vi trùng nhiều hơn tất cả các loại kháng sinh trên đời, kể cả những loại vi trùng đục rỗng tâm hồn.


Vĩ thanh

Ở Hải Phòng có gần 1.000 cụ ngày và đêm đến sàn nhảy. Con số này đang tiếp tục tăng lên. Đơn giản vì về hưu rồi, các cụ trở thành tỉ phú thời gian. Trừ lúc cao hứng vác súng vào đầm nhà Mạc bắn chim, còn thì cụ B ra ngồi ngoài sàn suốt ngày, vừa nhảy vừa dạy con mèo của cô chủ sàn uống... bia! Dẫu không thân thiết đến thế, thì sàn nhảy vẫn là nơi để cho các cụ gặp gỡ, hàn huyên giữa hai điệu nhảy. Cụ nào giàu, nghèo thì đã định rồi, chẳng còn khát vọng lên rừng xuống biển để thay đổi số phận mình. Học thêm một động tác “te”, thế là các cụ vừa lòng. Bây giờ con cái phương trưởng, các cụ thích nhảy, họ sẵn sàng chiều.

Cụ H bị lòa, cụ bà mất sớm. Chị con gái trưởng mua tặng váy áo, cho mượn nữ trang để nhờ một cụ bà khác đưa bố đi nhảy. Được cái, nhiều cụ miễn dịch với những cách hiểu lệch lạc về chuyện “nhảy nhót” ở ngoài xã hội. Tôi hỏi cụ P: “Cảm giác của cụ thế nào khi cầm tay một cụ bà để nhảy?”. “Giống như tôi cầm tay lái xe đạp ấy mà!” (thôi chết, xin đừng ai mách cụ bà đó nhé). Cuối cùng, điều quan trọng nhất: Nhảy mang tặng sức khoẻ vàng! Món quà không cụ nào không muốn nhận… Hãy bật nhạc lên để các cụ ra sàn nhảy!

Link Facebook